Phát triển chăn nuôi bò thương phẩm ở Ea Sol
Xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) có nhiều bãi cỏ tự nhiên ven suối, khu đồi hoang, có nhiều phụ phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây bắp, đậu các loại… rất thuận lợi trong chăn nuôi trâu, bò. Tận dụng lợi thế đó, trong những năm gần đây nhiều nông hộ ở các buôn trên địa bàn xã Ea Sol đã đẩy mạnh chăn nuôi bò thương phẩm.
Theo báo cáo của UBND xã Ea Sol, hiện nay địa phương này có cả nghìn hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng số trên 2.000 con, chủ yếu nuôi sinh sản và bán thịt. Trong đó, buôn Chăm và buôn Ka Ry là những nơi có nhiều nhà nuôi bò nhất. Một số gia đình có vốn, đông lao động nuôi cả đàn bò vài chục con, điển hình như các hộ: Ama Cum, Nay Y Thay (buôn Chăm), Ksơr Y Khoan, Nay Ten (buôn Ka Ry)… Mỗi năm, các hộ nuôi xuất bán ra thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài huyện Ea H’leo đến vài trăm tấn thịt bò thương phẩm. Nhiều gia đình nhờ nuôi bò mà xây được nhà cửa kiên cố, mua sắm đầy đủ phương tiện sản xuất, sinh hoạt, cho con cháu ăn học. Ông Ama Boai (ở buôn Điết) phấn khởi chia sẻ: “Khi cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết rụi, cà phê thì giá quá thấp, con bò chính là vật nuôi có hiệu quả nhất, giúp hộ nông dân chúng tôi vượt qua thời điểm khó khăn. Bò rất dễ chăm, nguồn thức ăn hằng ngày khá dồi dào. Người già còn sức, trẻ em nhàn rỗi đều đi chăn thả được. Ngoài bán thịt, bò còn cho thêm nguồn phân hữu cơ để bón cho nương rẫy, ruộng đồng, dư thừa đem bán cho người khác cũng thu bạc triệu. Gia đình tôi xây được nhà ở khang trang như hôm nay là nhờ nuôi 25 con bò và bán phân bò”.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi trâu, bò ở xã Ea Sol hiện vẫn chủ yếu là tự phát, tính bền vững chưa cao.
Chăn thả bò dưới tán vườn điều ở buôn Ta Ly. |
Ông Huỳnh Văn Vịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sol cho biết: “Đa số bò mà các hộ đang nuôi là giống bò địa phương (bò cỏ), vóc dáng nhỏ, trọng lượng thịt sau khi xẻ khoảng 100 – 120 kg/con, năng suất, sản lượng không thể đạt cao như các giống bò lai. Do vậy, hộ chăn nuôi ở xã Ea Sol rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật lai tạo, phối giống bò chất lượng cao của ngành chức năng trong huyện nhằm cải tạo đàn bò. Trong chăn nuôi, vấn đề con giống rất quan trọng. Giải quyết được khâu này, nhìn bò khi xuất bán sẽ “bắt mắt” hơn vì to con, lượng thịt tăng lên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, người nuôi dễ bán, lợi nhuận cao hơn”.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng mà hộ chăn nuôi địa phương chưa chú trọng là bà con vẫn chăn nuôi theo phương thức, tập quán chăn thả tự nhiên, không làm chuồng trại, chưa chú trọng đến tiêm phòng dịch bệnh. Một số hộ tuy có chuồng nhưng rất sơ sài, chỉ che vài tấm ván bìa, làm cọc le đóng xung quanh hoặc rào lưới B40 và không lợp mái che phía trên. Có hộ còn để bò ngủ dưới sàn nhà, ngoài sân, sau vườn. Chuồng trại không đảm bảo, bò dễ nhiễm lạnh vào mùa đông, mắc các dịch bệnh nguy hiểm như lỡ mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh viêm da nổi cục… Bên cạnh đó, mỗi khi trời mưa nhiều ngày liên tục, chuồng bò ngập nước, chất thải tràn ra sân, ra đường cái bốc mùi hôi thối, dễ thẩm thấu vào giếng nước, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi đúng ở Ea Sol bởi khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để chăn nuôi mang tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất cần sự hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ bà con nông dân của chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc thay đổi tập quán chăn nuôi, làm chuồng trại kiên cố, đưa các giống bò lai năng suất cao vào chăn nuôi, chủ động trồng thêm các loại cỏ làm thức ăn bổ sung chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào đồng cỏ ngoài tự nhiên như hiện nay. Vận động bà con chú trọng phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại cho bò; thu gom và xử lý kịp thời nguồn phân gia súc thải ra, vừa giúp hộ nuôi có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư.
Ngọc Tài
Ý kiến bạn đọc