Multimedia Đọc Báo in

Thu tiền tỷ từ niềm đam mê cây cảnh

08:52, 20/12/2021

Anh Phạm Đình Giỏi (thôn 7, xã Hoà Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) có niềm đam mê đặc biệt với cây cảnh. Sau nhiều năm sưu tầm, tạo tác, anh đã gây dựng được vườn cây cảnh có giá trị kinh tế cao, với nhiều kiểu dáng độc đáo.

Anh Giỏi sinh năm 1976, quê ở huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định) trong gia đình nhiều đời đã theo nghề làm cây cảnh. Khi lên Tây Nguyên lập nghiệp, cha anh tiếp tục theo nghề cây cảnh gia truyền. Từ khi còn nhỏ, anh Giỏi hằng ngày phụ cha tỉa cành, tưới nước, chăm sóc các loại cây cảnh. Tình yêu đối với cây cảnh cứ thế tự nhiên ngấm vào con người anh.

Năm 24 tuổi, sau khi lập gia đình, anh Giỏi quyết định tự mình theo đuổi tình yêu cây cảnh. Anh đi nhiều nơi sưu tầm các loài hoa, cây cảnh về trồng, tạo thế trong khuôn viên gia đình. Những lúc rảnh rỗi, anh thường học hỏi kỹ thuật trồng cây của những nghệ nhân, người chơi cây cảnh lâu năm và tiếp cận với các nhà vườn nổi tiếng để tích lũy thêm kinh nghiệm. “Trước đây, gia đình chỉ có 2,5 sào trồng cà phê, lấy đâu tiền chơi cây, nhưng mê quá nên tôi quyết tâm theo đuổi, vét sạch tiền trong nhà đi mua cây, có khi còn chiếc xe máy đi lại cũng đem cầm cố lấy tiền mua cây cảnh. Nhiều lần vợ chồng bất hòa, chỉ thiếu nước ly hôn”, anh Giỏi kể lại những ngày đầu theo nghề cây cảnh.

Vườn cây cảnh của anh Giỏi là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới cây cảnh trong và ngoài tỉnh.

Với suy nghĩ chơi cây thì cũng phải có tiền lo cho gia đình nên từ năm 2015, anh Giỏi tập tành kinh doanh sinh vật cảnh. Cây phôi (cây nhỏ chưa có tạo thế, dáng) được anh mua từ các tỉnh miền Tây về chăm sóc, trau chuốt. Bên cạnh đó, anh còn tìm mua các cây lâu năm, có gốc rễ về để tạo tác. Ban đầu anh làm những cây loại nhỏ bán tạo vốn lấy ngắn nuôi dài. Hiện, anh có hàng chục loại cây cảnh bonsai, trong đó, thế mạnh là mai chiếu thủy, linh sam, sanh, sam núi… Các sản phẩm cây cảnh qua tay anh đều mang một vẻ đẹp riêng. Đối với mỗi cây cần tạo dáng, thế, anh đều cố gắng "thổi hồn" vào đó, dốc hết tâm huyết, sự tỉ mỉ, kiên trì để cho ra một thế cây đẹp. Vì thế cây cảnh của anh được bán rộng rãi thông qua các trang mạng Zalo, Facebook cho thị trường khắp cả nước và được khách hàng yêu thích. Đến nay, anh Giỏi đã sở hữu vườn cây cảnh với hơn 600 tác phẩm các loại, trị giá hàng tỷ đồng. Với cây để bàn, anh bán giá từ 2 – 4 triệu đồng, cây lớn thì hàng chục triệu đồng, thậm chí có cây trắc bách diệp hàng chục năm tuổi, anh bán giá 180 triệu đồng. Vườn cây cảnh của anh mỗi năm mang lại cho gia đình thu nhập 1 tỷ đồng. Đặc biệt, anh có cây sanh Nam Điền to lớn, được tạo dáng công phu, được giới chơi cây cảnh đánh giá là "có một không hai" tại Tây Nguyên. Tác phẩm này được anh đặt tên là "Quần long phượng vũ", nghĩa là bầy rồng bay quanh chim phượng đang múa ở giữa mây trời. Cây sanh này anh có cơ duyên mua lại của một ông cụ người Nam Định năm 2003 khi cây đã khoảng 50 tuổi. Với con mắt nhà nghề, anh nhận thấy cây có sự khác biệt nên để lại chăm sóc, tưởng tượng ra thế, dáng độc lạ, tạo tác suốt 18 năm để có sản phẩm như ngày hôm nay. Tác phẩm này đã có nhiều người muốn sở hữu nhưng anh vẫn để lại, phát triển thêm ý tưởng của mình.

Anh Phạm Đinh Giỏi bên cây sanh Nam Điền độc đáo.

Không chỉ kinh doanh, vườn cây cảnh của anh Giỏi còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ niềm đam mê sinh vật cảnh của giới chơi cây cảnh trong và ngoài tỉnh. Theo anh Giỏi, quá trình chăm sóc, tạo thế từ cây phôi lên chậu là công đoạn khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm sức hơn cả. Sau khi ổn định thế, dáng, mới đưa cây phôi lên chậu. Khi ấy, việc chăm sóc cây trở nên đơn giản. Tuỳ theo kích thước cây, loại cây mà thời gian để tạo sản phẩm có thế ổn định mất từ 2 – 12 năm. Do thời điểm này kinh tế khó khăn, cây cảnh khó bán, lượng khách mua cây cảnh giảm, kinh doanh cây cảnh bị lắng xuống. Tuy nhiên, cây cảnh càng để lâu càng có giá, hy vọng khi thị trường ấm lên, cây cảnh sẽ có giá trở lại. “Kinh doanh cây cảnh thu nhập khá, tuy nhiên nghề này mất nhiều thời gian, rất tốn công sức. Đặc biệt, người chơi cây phải kiên trì, khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú”, anh Giỏi chia sẻ.

Minh Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.