Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

12:54, 26/12/2021

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa có Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030.

Sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện, các chỉ tiêu chủ yếu và nội dung lớn theo Nghị quyết số 04-NQ/TU cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: Đã chủ động, kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU; đồng thời thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, qua đó đã có sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, hiện đại, gắn với thị trường.

Đã huy động, thu hút được nguồn lực xã hội lớn (khoảng trên 16 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với Đề án của tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp đã được phê duyệt) để thực hiện Đề án. 

Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân tăng 8,39%/năm, đạt 156% kế hoạch; tỷ lệ bảo đảm tưới cho cây trồng đạt 82%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 43,2%, tăng 3,2% (5 xã) kế hoạch; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 38,74%...

ảnh
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên ngành nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế, đó là chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung; việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa được chú trọng; chưa có các nhà máy chế biến bảo quản hàng nông sản có quy mô, công nghệ hiện đại, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu và giá trị gia tăng còn thấp… 

Để tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, cần chú trọng tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và thống nhất về tính tất yếu, tầm quan trọng cơ cấu lại nông nghiệp để phát triển mạnh mẽ và các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đặc biệt tập trung thực hiện 3 đột phá chính được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TU.

Rà soát, đánh giá lại các chính sách; nghiên cứu, vận dụng kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách của Trung ương để phát triển. Đồng thời, bổ sung các chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp phù hợp tình hình với thực tiễn của tỉnh.

Xác định cụ thể những nông sản chủ lực có lợi thế so sánh của tỉnh, từng địa phương, nhất là sản phẩm nông sản xuất khẩu để quy hoạch, ưu tiên phát triển tập trung, quy mô lớn, chất lượng đồng đều, có chứng nhận, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với công nghiệp chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ. Tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.

Tập trung các giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; thu hút mạnh mẽ các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đầu tư vào nông nghiệp; chú trọng và tập trung xây dựng thương hiệu nông sản Đắk Lắk…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.