Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân vượt qua đại dịch

08:17, 05/01/2022

Với tinh thần "Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương", thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt từng bước gỡ khó cho nông dân trong việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản trước tác động của dịch bệnh COVID-19.

Giải “bài toán” thiếu nhân công

Cứ đến mùa thu hoạch cà phê (thời điểm đầu tháng 11 hằng năm), người trồng cà phê lại đôn đáo lo việc tìm nhân công thu hái. Thực tế những năm trước, khi số lượng người từ nơi khác tập trung đến đông cũng làm nảy sinh nhiều bất cập về quản lý người tạm trú, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Để giảm bớt nỗi lo ấy, năm nay Hội Nông dân xã Ea Sin (huyện Krông Búk) đã thành lập Tổ kết nối nhân công.

Thông qua chi hội nông dân các thôn, buôn, Hội đã tập hợp được nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, hình thành các nhóm hái cà phê thuê. Khi chủ vườn cần, Hội Nông dân xã đứng ra làm "cầu nối" để hai bên tự thỏa thuận làm việc. Điều này vừa giúp giảm bớt khó khăn tìm nhân công hái cà phê lại giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân trên địa bàn.

Anh Trần Văn Ruân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sin cho biết, do tác động của dịch COVID-19, người dân ngoại tỉnh ít đến địa phương nên vụ cà phê năm 2021 khan hiếm nhân công hơn những năm trước. Dự liệu trước tình hình, ngay từ đầu vụ, Hội Nông dân xã đã triển khai kế hoạch kết nối được 6 đội hái cà phê thuê cho người dân trong xã (mỗi đội từ 10 - 15 người) đáp ứng một phần nhu cầu của người dân.

Anh Nguyễn Ngọc Hoanh ở xã Ea Sin, huyện Krông Búk (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng xen đa cây.

Ông Nguyễn Ngọc Hoanh ở thôn Ea Klang (xã Ea Sin) chia sẻ: Thông qua Hội Nông dân xã Ea Sin, gia đình anh đã thuê 15 nhân công tại chỗ để thu hoạch 2 ha cà phê. Do hầu hết là người địa phương nên gia đình không phải lo chỗ ở cho họ, đồng thời yên tâm hơn về tình hình an ninh trật tự.

Bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, toàn tỉnh có trên 209.000 ha cà phê. Trung bình mỗi héc ta cà phê cần khoảng 50 - 60 ngày công hái, nên vào vụ thu hoạch, tỉnh cần lượng lớn lao động. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân công, Hội đã khuyến khích người dân thành lập các tổ, đội, nhóm hộ đổi công cho nhau. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng rà soát nguồn lao động tại chỗ, nhất là người trở về từ các tỉnh phía Nam để giới thiệu cho chủ vườn. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm bớt “gánh nặng” cho nhân dân. Đồng thời, phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội đối với hoạt động địa phương.

Kết nối tiêu thụ nông sản

Không chỉ hỗ trợ tìm nhân công thu hoạch cà phê, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn chủ động kết nối tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho người dân. Còn nhớ hồi tháng 8/2021, huyện Krông Búk là "điểm nóng" về tình hình dịch COVID-19 với nhiều ca F0 trong cộng đồng. Huyện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhiều cụm dân cư, đồng thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ toàn địa bàn. Việc đi lại, sản xuất nông nghiệp của người dân và hoạt động kinh doanh, mua bán nông sản trên địa bàn phải tạm ngừng để tập trung phòng, chống dịch.

Trong năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã kết nối tiêu thụ được gần 3.000 tấn sầu riêng, bơ; 70 tấn bí đỏ cho nông dân. Ngoài ra, hội nông dân cấp huyện cũng hỗ trợ tiêu thụ trên 100 tấn sầu riêng cho hội viên…

Theo chị Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk, đây cũng là cao điểm của mùa sầu riêng và bơ, nếu không thu hoạch kịp thời sẽ hư hỏng, thiệt hại; các thương lái thì không thể vào thu mua nông sản cho người dân. Trước tình hình đó, các cấp Hội Nông dân của huyện phối hợp với lực lượng đoàn viên thanh niên rà soát diện tích sầu riêng, bơ kinh doanh của người dân, tham mưu UBND các xã triển khai các biện pháp hỗ trợ thu hoạch quả, rồi vận chuyển ra đại lý ngoài huyện để tiêu thụ. Mặt khác Hội cũng kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua nông sản số lượng lớn, giá ổn định cho nhân dân. Với cách làm đó, mùa sầu riêng, bơ vừa qua của huyện đã đảm bảo thu hoạch hết, đúng thời vụ.

Ông Chu Văn Thông (bìa phải) ở xã Krông Nô, huyện Lắk trao đổi kinh nghiệm trồng sầu riêng.

Với phương châm “Đồng hành cùng nông dân vượt qua đại dịch”, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn lập nhóm Zalo tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Thường trực hội cơ sở cùng chi hội trưởng các thôn, buôn nắm số lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian giãn cách xã hội rồi gửi lên nhóm Zalo, Facebook. Qua đó, các hội viên chia sẻ, kết nối và bán nông sản giúp người dân.

Về lâu dài, để giúp người dân nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường và có đầu ra ổn định, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành hữu quan, địa phương triển khai nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người dân.

Thông qua các lớp tập huấn, đã có nhiều hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Chu Văn Thông ở buôn Lách Dơng (xã Krông Nô, huyện Lắk).

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, năm 2015, ông tái canh 3 ha cà phê giống mới, trồng thêm 4 ha sầu riêng Monthong Thái Lan. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây trồng phát triển tốt. Năm 2021, gia đình ông Thông thu 10 tấn cà phê, 120 tấn sầu riêng, lãi 4,6 tỷ đồng.

Từ mô hình này, Hội Nông dân xã Krông Nô đã thành lập "Tổ hợp tác gắn với tổ hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp đoàn kết xã Krông Nô” gồm 9 hộ thành viên do ông Thông làm tổ trưởng. Hướng tới nâng cao chất lượng sầu riêng trở thành sản phẩm OCOP của xã.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.