Làm nông thời @
Tại vườn của ông Nguyễn An Khê (huyện Cư M’gar) 6 hoặc 10 héc-ta cà phê cũng chỉ cần 1 nhân công đảm trách. Bí quyết chính ở phương pháp canh tác cà phê đa thân không hãm ngọn, cắt thân luân phiên mà ông đang theo đuổi.
Trồng cà phê đa thân từ... “học lỏm”
Ông Khê vốn là kỹ sư nông nghiệp, sở hữu 6,5 ha cà phê tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar. Với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông Khê đã ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt điều tiết ra hoa trên cây cà phê thành công từ năm 2012. Đến năm 2014, ông may mắn được tham gia cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi thực nghiệm tại Brazil. Trong chuyến công tác, ông không chỉ có thêm cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống tưới tiết kiệm mà còn “học lỏm” được phương pháp trồng cà phê đa thân rất phổ biến ở nước sở tại.
Năm 2016, ông bắt đầu thử nghiệm tái canh 3 sào cà phê già cỗi theo phương pháp này kết hợp với sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel dưới sự hỗ trợ, tư vấn của Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh. Sau khi tìm ra quy trình canh tác chuẩn, ông dần mở rộng ra toàn diện tích ở xã Ea Kpam và 10 ha khác ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo.
Vườn cà phê canh tác đa thân của ông Nguyễn An Khê trong vụ thu hoạch 2021. |
Ông Khê cho biết, phương pháp này giúp nông dân không chỉ tiết kiệm công lao động, vật tư, giảm chi phí mà còn giúp ổn định năng suất nhờ giảm được rủi ro do tác động của thời tiết. Mỗi cây cà phê được tạo hình ngay từ nhỏ để duy trì 2 - 3 thân. Sau đó, chồi mới được nuôi luân phiên để thay thế cho thân trưởng thành sau 2 - 3 vụ thu hoạch. Như vậy, cây sẽ luôn ra hoa, đậu trái trên cành cấp 1 và phân theo từng tầng tán. Nông dân khi thu hoạch sẽ cắt bỏ luôn những cành đã cho trái, không cần lo việc giữ cành, tạo tán cho năm sau, việc thu hái nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều.
Mở lối cơ giới hóa canh tác cà phê
Ở vườn cà phê của ông Khê, việc tưới nước, bón phân được thực hiện hoàn toàn qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Thay vì tưới và bón phân tập trung dựa vào quan sát thời tiết thì cây cà phê được cung cấp nước và dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo định kỳ hằng tuần với lượng phân bón bình quân giảm 15 - 30% so với canh tác truyền thống. Khi cây có biểu hiện nhiễm nấm bệnh hoặc tuyến trùng, các loại thuốc phòng trừ cũng được hòa vào hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa an toàn, tiết kiệm lại đạt hiệu quả cao. Dựa vào đó, người canh tác cũng điều tiết tốt hơn thời điểm ra hoa, kéo dài thời gian giữ trái giúp cà phê chín muộn hơn, tránh áp lực về nhân công cũng như những bất lợi về thời tiết.
Cũng nhờ lối canh tác này, nông dân hoàn toàn có thể kiểm soát sản lượng thu hoạch từng năm. Tại vườn của ông Khê, năng suất thu bói vụ đầu của cà phê sau 30 tháng xuống giống dao động từ 4,5 - 5 tấn/ha. Những năm sau, năng suất sẽ được giữ ổn định ở mức 6 tấn/ha, tránh tình trạng chạy theo sản lượng làm cây nhanh suy kiệt, giảm chất lượng.
Ông Khê chia sẻ, hệ thống tưới nhỏ giọt chính là yếu tố quyết định thành bại của canh tác đa thân. Hệ thống này phải đảm bảo vận chuyển hiệu quả với cơ chế bù áp tại từng nút nhỏ giọt, giúp cây trồng trên vườn được cung cấp nước, dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật chính xác theo đúng nhu cầu ở từng thời điểm.
Hiện nay, việc thu hoạch cà phê vẫn gặp khó khi nhân công ngày một khan hiếm. Đây cũng là một thách thức cho nông dân khi muốn đầu tư chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của hạt cà phê. Chính vì vậy, khi mở rộng canh tác cà phê theo phương pháp đa thân không hãm ngọn, ông Khê đã nghĩ ngay đến việc sử dụng máy móc để giảm công thu hoạch. Cành cà phê có thể không cần dùng tay tuốt trực tiếp mà cắt nguyên cành cho vào máy tách quả, giúp giảm đến 50% chi phí thu hái.
Những năm gần đây, vườn cà phê của ông Khê là địa điểm quen thuộc để những người có nhu cầu chuyển đổi phương pháp tái canh cà phê đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Khê luôn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao miễn phí quy trình giúp nhiều nông dân tiếp cận lối canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế sản xuất hiện đại.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc