“Trụ đỡ” của nền kinh tế trong đại dịch
Vượt qua một năm đầy khó khăn, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đắk Lắk vẫn giữ được tăng trưởng dương. Sản xuất nông nghiệp không chỉ bảo đảm vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm trong tỉnh mà xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng cao.
Trong năm 2021, ngành NN-PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Đó là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Theo khảo sát, đánh giá sơ bộ thì việc giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: chi phí đầu vào sản xuất tăng cao (chi phí lao động tăng 20 - 30%; giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y liên tục tăng từ 10 - 20%; thức ăn thủy sản tăng từ 5 - 10%; phân bón vô cơ tăng từ 50 - 70%; chi phí vận chuyển tăng từ 50 - 70%...); công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm thời gian, hiệu quả; nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu giảm từ 30 - 50%... Trong khi đó, các quy định về giãn cách xã hội đã làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế, thu nhập người dân, khả năng đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm, giá một số nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu có chiều hướng tăng và việc lưu thông cũng thuận lợi hơn, đã phần nào giảm bớt khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Chế biến cà phê đặc sản đang từng bước nâng cao giá trị cà phê Đắk Lắk. (Trong ảnh: Chế biến cà phê đặc sản của Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care). |
Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn ngành, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt ngành nông nghiệp đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó "điểm nhấn" quan trọng là đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX… thực hiện những giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực và đạt được kết quả khả quan, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất... Đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng được 112 dự án liên kết chuỗi giá trị và các dự án công nghệ cao như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M'gar, với quy mô 107,61 ha; Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk (tại xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), quy mô hơn 45 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 526 ha do Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đầu tư; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Ea Tân (huyện Krông Năng), quy mô 450 ha…
Nhờ đó, năm 2021 ngành nông nghiệp vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế - xã hội tỉnh. Các chỉ tiêu tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 19.511 tỷ đồng, tăng 3,75% so với năm 2020, cao gấp 1,33 lần so với bình quân cả nước. Qua đó đã góp phần quan trọng thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng chung của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn Đắk Lắk. |
Sản lượng nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tăng cả về số lượng và gia tăng về giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1,2 triệu tấn (tăng 18.250 tấn so với năm 2020); sản lượng thịt hơi các loại đạt 226.000 tấn (tăng 6.000 tấn)... Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.136 triệu USD, bằng 174,8% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng đạt khá cao, cụ thể: xuất khẩu cà phê nhân đạt 210.000 tấn, cà phê hòa tan 8.500 tấn, hạt tiêu 6.000 tấn, rau củ quả 85 tấn…
Bước sang năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” với nỗ lực, quyết tâm cao hơn, bảo đảm an toàn dịch bệnh khi sản xuất, vận chuyển. Trong đó, xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những nội dung rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp thời gian đến. Sở NN-PTNT đã chủ động xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó đã xác định 24 nội dung/nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, bao trùm trên tất các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong năm 2022, ngành NN-PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng 4,56%. Đây là chỉ tiêu khá cao trong bối cảnh hiện nay, nhưng ngành nông nghiệp đã xác định phải tập trung quyết liệt để đạt được mục tiêu này. Đặc biệt, vấn đề trọng tâm, cốt lõi, bao trùm trên hết là thực hiện đồng bộ quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Năm 2022, ngành NN-PTNT đặt ra mục tiêu: giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 69.854 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm nước tưới chủ động cho trên 83,28% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 52%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,24%... |
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc