Multimedia Đọc Báo in

Đòn bẩy để phát triển bền vững

18:43, 06/02/2022

Việc tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và ở địa phương.

Những năm gần đây, Sở Công thương đã tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên địa bàn. Cụ thể, Sở phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đến các tổ chức, cá nhân, người dân; tổ chức phong trào thi đua tiết kiệm điện trong công sở, trong sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cải tiến kỹ thuật, công nghệ để TKNL, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh; tổ chức tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm góp phần thay đổi tư duy, thói quen trong điều hành sản xuất ở DN. Sở cũng triển khai hoạt động hưởng ứng “Giờ Trái đất” nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, tạo thành thói quen, thay đổi nhận thức sử dụng điện của người dân.

Nhà máy Bia Sài Gòn - Miền Trung đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Kết quả của việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên là ý thức tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả trong cộng đồng, cơ quan, DN được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quy chế tiết kiệm điện tại công sở nhằm bảo đảm tối thiểu mỗi năm tiết kiệm 5% tổng điện năng tiêu thụ; thay đổi phương pháp vận hành máy móc, lắp đặt thêm một số thiết bị biến tần để tiết kiệm điện; tổ chức sản xuất vào giờ thấp điểm, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm; mua sắm, thay thế, sử dụng các phương tiện, thiết bị TKNL. Nhiều DN đã chủ động tiếp cận, triển khai các công cụ cải tiến năng suất, TKNL và xem đó như nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, trách nhiệm đối với môi trường. Có thể kể đến như Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung đã nghiên cứu, phân tích về mặt kỹ thuật và triển khai giải pháp tiết kiệm hiệu quả nhiệt lượng trong sản xuất bia. Đồng thời, chuyển sang sử dụng các thiết bị thế hệ mới có mức tiêu thụ điện năng thấp, biến tần và tự động hóa cao. Việc này giúp DN tiết kiệm hàng tỷ đồng tiền điện mỗi năm.

Theo thống kê, năm 2021 sản lượng điện toàn tỉnh tiết kiệm đạt hơn 39 triệu kWh. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đấu nối cho 5.357 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt là 648,626 MWp.

Nhằm thúc đẩy người dân, DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo, thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; khuyến khích người dân, DN ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; vận động DN trong khu, cụm công nghiệp đầu tư lắp hệ thống năng lượng mặt trời... Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng hằng năm tăng từ 10 - 15%, 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định. Phấn đấu vận động 90% DN hoạt động trong khu công nghiệp và 70% DN hoạt động trong cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.