Đưa “hương đồng, cỏ nội” bay xa
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) gần đây ngày càng trở nên sôi động và là xu hướng tất yếu để phát triển doanh nghiệp (DN). Nhận thức rõ điều đó, anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio đã đẩy mạnh xúc tiến, đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT để tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Mạnh dạn lên… “sàn”
Hoạt động trong lĩnh vực trồng, chiết xuất tinh dầu từ cây dược liệu từ năm 2015 đến nay, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio đã xây dựng thành công thương hiệu Tinh dầu Emay trên thị trường. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất, thu mua khoảng 30 tấn tinh dầu các loại (riêng năm 2021 là 50 tấn), chủ yếu bán cho các công ty ngành mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm ở nội địa cũng như xuất khẩu gián tiếp sang thị trường Ấn Độ, Đức, Trung Quốc, Nga.
Không dừng lại ở đó, công ty còn mở rộng thị trường bán lẻ và phát triển kênh phân phối mới trên các sàn TMĐT. Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: Trong tình hình khó khăn chung bởi dịch bệnh COVID-19, việc phân phối, xuất bán sản phẩm của công ty cũng phần nào chịu ảnh hưởng. Do vậy, công ty đã mạnh dạn triển khai TMĐT, với các kênh có uy tín đối với thị trường trong nước như: Shopee, Lazada, Sendo. Dù mới tiếp cận “thị trường trên mây” và doanh thu từ các kênh phân phối này còn khá thấp nhưng cũng đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Chỉ tính riêng tại “sàn” Shopee 3 tháng cuối năm 2021, công ty xuất bán hơn 300 đơn hàng.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn quản lý gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. |
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, một trong những khó khăn mà Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio nói riêng, các DN trong nước nói chung đang gặp phải, đó là vấn nạn hàng trôi nổi, kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu vẫn còn diễn ra khá phức tạp trên các sàn TMĐT cũng như các trang buôn bán online và mạng xã hội. Điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn vị làm ăn chân chính, uy tín.
Vươn ra biển lớn
Song song với việc triển khai, phát triển thị trường nội địa, công ty cũng đẩy mạnh mở rộng thị trường quốc tế. Trong năm 2021, công ty đã làm các thủ tục đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT Alibaba. Để tham gia sân chơi lớn này, công ty tập trung triển khai hệ thống về công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ nhân sự, chuẩn bị sản phẩm đạt các tiêu chí theo yêu cầu…
Anh Tuấn cho biết: “Với các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, việc tiếp cận và tận dụng thế mạnh của TMĐT là cách tốt nhất, nhanh nhất để thực hiện mục tiêu “3 trong 1”: vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và phát triển thương hiệu. Trên thực tế, việc tham gia các sàn TMĐT không đòi hỏi DN phải tốn quá nhiều công sức, bởi các khâu bán hàng, tiếp thị sản phẩm, chăm sóc khách hàng… cũng được các sàn TMĐT hỗ trợ khá nhiều. Điều kiện tiên quyết là DN cần có sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo pháp lý sản phẩm”.
Công ty chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Trải qua hơn 4 tháng liên hệ, hoàn thiện hồ sơ, đến đầu tháng 11/2021 các sản phẩm của công ty chính thức được “lên sàn”. Và cũng ngay trong tháng này, công ty đã nhận được đơn hàng sỉ đầu tiên từ đối tác ở Nhật Bản. Anh Tuấn chia sẻ: “Đây là điều đáng mừng, bởi ngay trong tháng đầu tiên ra mắt gian hàng trên Alibaba chúng tôi đã có đơn đặt hàng trong khi theo đội ngũ của Alibaba thì thường phải mất từ 3 đến 6 tháng từ khi “lên kệ” mới có thể nhận được đơn hàng. Qua thời gian ngắn hoạt động trên sàn TMĐT Alibaba, gian hàng của công ty đã nhận được sự quan tâm, tham quan, liên hệ của rất nhiều đối tác quốc tế từ các nước trong khối EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga… Chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai, liên hệ, cập nhật nhu cầu khách hàng để từ đó có những bước tiến, thay đổi trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của mình cho phù hợp với sân chơi quốc tế”.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc