Multimedia Đọc Báo in

Giá cả thực phẩm bình ổn sau Tết

08:30, 14/02/2022

Trái với tâm lý lo lắng của nhiều người về giá cả các mặt hàng thực phẩm sau Tết, năm nay, rau xanh, thịt, cá vẫn giữ giá ổn định. Nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ không tăng đột biến.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2002, giá các mặt hàng như rau xanh, trái cây tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 15% so với trước đó. Riêng giá các loại hoa thường để cúng tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhiều người tiêu dùng địa phương không khỏi lo lắng, sau Tết giá thực phẩm, hàng hóa liệu có “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, thị trường thực phẩm sau Tết trong tỉnh năm nay lại tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, giá hợp lý cho người mua.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra hàng hóa bày bán dịp Tết tại Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, từ ngày mồng 2 Tết , một số chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức họp chợ vào buổi sáng, phục vụ chủ yếu những thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt heo, thịt gà, cá và rau xanh. Do người bán ít và tâm lý ngày Tết nên giá có tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với ngày thường. Đến mồng 4 Tết, nhiều chợ đã chính thức mở cửa hoạt động trở lại bình thường, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cũng mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, các mặt hàng thực phẩm tươi sống chưa nhiều, lượng người mua sắm cũng chưa đông. Từ ngày mồng 6 Tết cho đến nay, giá cả các mặt hàng thực phẩm đã trở lại mức bình thường và phong phú về chủng loại. Bà Nguyễn Thị Hoa bán thực phẩm tươi sống tại chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, sau Tết, rau xanh, củ, quả bao giờ cũng có sức tiêu thụ cao hơn hẳn những mặt hàng khác. Thời điểm này, giá rất bình ổn, thậm chí, còn giảm hơn so với những ngày trước đó. Cải ngọt hiện có giá 10.000 đồng/kg, bắp cải có giá khá “mềm”, chỉ ở mức 15.000 đồng/kg, dưa leo trước Tết có giá 30.000 đồng/kg nay chỉ còn 15.000 đồng/kg, xà lách từ 30.000 đồng/kg trước Tết nay chỉ còn 20.000 đồng/kg...

 

"Sức mua của người dân dịp Tết năm nay tập trung dồn dập vào 5 ngày cuối năm. Song, tính bình quân chung, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2022 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Về giá cả, có tăng nhưng không có trường hợp đột biến”.

ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương

Chị Phạm Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mồng 3 Tết, chị đi chợ đầu năm, các mặt hàng tươi sống có tăng giá nhẹ. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, giá đã trở về mức như mọi ngày. Chị Lý phấn khởi: "So với những năm trước, sau Tết năm nay, giá cả hàng hóa được giữ tương đối ổn định và nhanh chóng quay về quỹ đạo cũ. Điều này khiến tôi yên tâm hơn khi mua sắm".

Theo Ban Quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, hiện 100% các quầy, sạp bán thực phẩm tươi sống ở chợ đã mở cửa trở lại để phục vụ khách sau kỳ nghỉ Tết. Hàng hóa về chợ mỗi ngày khá nhiều, sức mua đang dần tăng trở lại từ sau ngày mồng 6 Tết. Lượng khách đến chợ cũng dần đông hơn. Riêng các quầy, sạp khác như quần áo, giày dép thì chưa có đông tiểu thương bày bán vì nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này ở thời điểm hiện tại chưa nhiều, tiểu thương chủ yếu chọn ngày bán để lấy lộc đầu năm.

Tại các địa phương khác trong tỉnh như huyện Cư M’gar, sau dịp Tết, giá cả hàng hóa cũng nhanh chóng ổn định. Tại chợ thị trấn Quảng Phú, hàng hóa được bán xuyên suốt dịp Tết. Mồng 2 Tết, có nhiều tiểu thương bán hàng hơn, chủ yếu nhập thực phẩm tươi sống về bày bán phục vụ khách. Chị Nguyễn Thị Lợi, tiểu thương bán thịt tại chợ thị trấn Quảng Phú cho hay, dịp Tết năm nào, quầy thịt cũng đón khách sớm nhất. Tuy nhiên, dịp Tết này, lượng khách đến chợ mua sắm đầu năm có giảm hơn hẳn. Một phần do thực phẩm dự trữ trong dân vẫn còn nhiều, phần vì người dân tiết kiệm chi tiêu và hạn chế tập trung đông người để phòng dịch COVID-19. Giá thịt bán ra dịp này không có biến động nhiều.  Thịt đùi, ba chỉ dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg; sườn non 135.000 đồng/kg...

Khách chọn mua hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Theo đánh giá của Sở Công thương, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hàng hóa bày bán đa dạng và phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu như gạo, dầu ăn, đường, muối, nước mắm, thịt heo... và hàng hóa phục vụ Tết như bánh, kẹo, mứt, giỏ quà Tết. Trên thị trường tỉnh không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá gây biến động thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, tiểu thương đã bày bán nhiều, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả nhiều mặt hàng cơ bản đã trở lại như ngày thường. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa dịp này được cơ quan chức năng tăng cường để bảo vệ người tiêu dùng. Đối với công tác phòng dịch COVID-19, nhìn chung được các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chú trọng thực hiện, nhất là công tác phun thuốc khử khuẩn, xịt sát khuẩn, cả người bán và người mua chấp hành tốt việc mang khẩu trang trong suốt quá trình giao dịch hàng hóa.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.