Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ truy xuất nguồn gốc bằng QR code

08:12, 15/02/2022

QR code và các ứng dụng quét mã trở nên ngày càng phổ biến hơn với người tiêu dùng địa phương. Điều này giúp minh bạch thông tin sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm.

Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm áp dụng mã hóa thông tin sản phẩm, phổ biến nhất là QR code. Việc ứng dụng QR code hỗ trợ truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu hướng tiêu dùng thông minh của nhiều người dân trong tỉnh. Chính nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng tích hợp tính năng quét QR code, người tiêu dùng dễ dàng có được thông tin về sản phẩm, hàng hóa một cách xác thực.

Người dân chọn mua hàng hóa có QR code tại Siêu thị MM Mega Martket Buôn Ma Thuột.

QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là dạng mã vạch 2 chiều được đọc bởi smartphone có chức năng chụp ảnh, kết nối mạng wifi, 3G hoặc 4G. Thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét QR code như: Zalo hay Facebook… là có thể tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất. Sau mỗi thao tác quét, hệ thống tự động sẽ gửi thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm cho người tiêu dùng, bao gồm nơi sản xuất, nhà sản xuất, phân phối hoặc đơn vị kinh doanh sản phẩm. Người tiêu dùng còn được biết về giá bán, điểm bán, công dụng, thành phần... của sản phẩm. Việc thực hiện thao tác quét QR code khá đơn giản, dễ sử dụng, những người không am hiểu về công nghệ thông tin cũng có thể dễ dàng làm được.

Ở góc độ người tiêu dùng, việc áp dụng QR code trên sản phẩm giúp họ tránh được tình trạng mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Do đó, nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ngày càng tăng và trở thành thói quen trong mua sắm của nhiều người tiêu dùng địa phương.

Mỗi lần đi siêu thị mua hàng hóa, chị Phạm Trúc Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đều có thói quen tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trước khi quyết định chọn mua một món hàng nào đó. Thay vì đọc một số thông tin cơ bản về hạn sử dụng, giá tiền thì chị sử dụng điện thoại thông minh để quét QR code được in ngoài bao bì. Ở đó, chị có thêm thông tin về nguồn gốc, quy trình vận chuyển, đóng gói... giúp chị yên tâm hơn về chất lượng hàng hóa.

Còn với chị Nguyễn Thu Hoa (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), trước khi chọn mua hàng hóa, chị thường lên mạng Internet tìm hiểu thông tin về đơn vị sản xuất, chủng loại, chất liệu, quy trình sản xuất... Nay, mọi việc trở nên đơn giản và đỡ tốn thời gian hơn khi nhiều sản phẩm được DN sử dụng QR code truy xuất nguồn gốc. Theo đó, chị chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã là đã nắm được nhiều thông tin về sản phẩm.

Người dân chọn mua hàng hóa có QR code tại Siêu thị MM Mega Martket Buôn Ma Thuột.

Theo đại diện Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, thời gian gần đây đã có thêm nhiều DN quan tâm đến việc tạo QR code cho sản phẩm của mình, phổ biến nhất là ở các sản phẩm như gạo, sữa hộp, đồ hộp, thực phẩm tươi sống (rau, trái cây)... Hàng hóa có dán QR code thường nhận được sự quan tâm, chọn mua của nhiều người tiêu dùng hơn. Bởi bên cạnh giá cả, mẫu mã bên ngoài, nhiều người đã để ý hơn đến việc xem hàng hóa đó sản xuất ở đâu, tiêu chuẩn chất lượng ra sao, do DN nào sản xuất; thông tin về nguyên liệu, quy trình vận chuyển, nhà phân phối, cửa hàng... Điều này bảo đảm quyền lợi chính đáng của người mua. Hơn nữa, việc công khai, minh bạch về thông tin sản phẩm sẽ giúp DN tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã hóa thông tin sản phẩm là việc làm rất cần thiết cho cả người tiêu dùng và DN, đem lại niềm tin cho khách hàng. Về phía DN sản xuất, cung ứng, điều này cũng giúp họ quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm của mình và chiếm được lòng tin của người mua do sự minh bạch về thông tin. Chị Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, 2 năm sau khi thành lập công ty, chị đã quan tâm và tiến hành đăng ký QR code, mã vạch trên bao bì đối với các sản phẩm cà chua, dưa leo... Qua đó, khi sản phẩm được cung ứng ra thị trường, người tiêu dùng dễ dàng có thông tin, truy được nguồn gốc, yên tâm khi mua và sử dụng. Đồng thời, cũng hỗ trợ khách hàng tìm mua đúng sản phẩm do công ty làm ra.

Chị Thanh khẳng định, ứng dụng QR code được coi là giải pháp hiệu quả giúp công ty của chị nhận biết được sự quan tâm của khách hàng đến sản phẩm, hoạt động của mình cũng như những phản hồi của khách hàng để kịp thời điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.