Multimedia Đọc Báo in

Kênh thủy lợi N26B tại xã Ea Rốk: Liệu có bị “bỏ quên”?

06:24, 25/03/2022

Hơn 10 năm trước, kênh thủy lợi N26B tại xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) đang được đầu tư xây dựng thì tạm dừng, gây nhiều khó khăn cho các hộ có đất canh tác trong khu vực, nhất là các hộ có đất thuộc phạm vi thu hồi để xây dựng tuyến kênh.

Công trình kiên cố hóa kênh N26 thuộc hệ thống kênh chính Đông công trình thủy lợi Ea Súp thượng. Công trình được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý đầu tư theo Công văn 218/UBND-NLN, ngày 19/1/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt tại Quyết định 468/QĐ-KHĐT, ngày 27/8/2009 với tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ đồng. Công trình có 4 tuyến kênh nhánh là N26A, N26B, N26B1 và N26B2, tổng chiều dài 1.599,2 m.

Ngày 30/12/2011, UBND huyện Ea Súp đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với 16 hộ có đất bị thu hồi để xây dựng kênh N26 và hỗ trợ 3 hộ không đủ điều kiện bồi thường về đất. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ của 19 hộ là hơn 674 triệu đồng. Tuy nhiên, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng theo Báo cáo kinh tế kỹ thuật được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt chỉ có 108 triệu đồng, không đủ để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chi trả cho người dân. Vì vậy, nhiều hộ dân đã đồng ý để chủ đầu tư thi công trước, nhận tiền chi trả đền bù sau với mong mỏi công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Anh Phạm Văn Thanh vẫn đang sử dụng nguồn nước từ mương đất cũ dù có tuyến kênh bê tông trên phần đất canh tác của mình.

Khi tuyến kênh N26B thi công được khoảng 469 m (trong tổng chiều dài 484 m) thì có một hộ dân yêu cầu nhận tiền đền bù, hỗ trợ trước rồi mới cho xây dựng khiến công trình phải tạm dừng. Từ đó đến nay, chủ đầu tư là UBND huyện vẫn chưa bố trí được kinh phí đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Anh Phạm Văn Thanh (thôn 20, xã Ea Rốk) là một trong số các hộ đồng ý cho thi công trước, đền bù sau. Đến nay, đoạn kênh N26B qua phần ruộng của gia đình anh đã được bê tông hóa nhưng chưa đấu nối vào hệ thống kênh chính đông nên anh vẫn phải lấy nước từ mương đất cũ để canh tác. Bên cạnh đó, gia đình anh Thanh cũng như nhiều hộ dân khác trong phạm vi thu hồi đất không thể sang nhượng hay đầu tư canh tác lâu dài vì sợ vi phạm các quy định của pháp luật trên phần đất đã có công trình xây dựng của Nhà nước.

Từ mục đích ban đầu là công trình thủy lợi điều tiết nước, do thi công dang dở, tuyến kênh N26B lại gây cản trở việc lấy nước của các hộ dân canh tác trong vùng. Nhiều đoạn, người dân phải đục vỡ một phần bê tông để khơi thông dòng chảy từ mương đất cũ đến ruộng của mình. Hơn nữa, do thời gian dài không được cải tạo, tu bổ, nhiều đoạn kênh đã có hiện tượng xuống cấp, nứt gãy.

Người dân tại đây rất mong mỏi công trình kênh thủy lợi N26B được đầu tư hoàn thiện vì công trình không chỉ đảm bảo nguồn nước canh tác mà còn gắn với tuyến đường giao thông nội đồng dọc tuyến kênh, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, nông sản của bà con. Anh Phạm Văn Thanh cũng đại diện các hộ kiến nghị đến UBND huyện Ea Súp sớm giải quyết tình trạng thi công dở dang như hiện nay. Nếu công trình tiếp tục được đầu tư, xây dựng thì đề nghị các cơ quan cấp trên bồi thường cho người dân theo phương án cũ lập năm 2011. Nếu công trình không thực hiện nữa thì cần hủy bỏ các phương án thu hồi đất đã ban hành và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu để người dân canh tác, sử dụng.

Theo thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Ea Súp, trước mắt đơn vị sẽ thực hiện đấu nối phần còn lại của tuyến kênh để phục vụ điều tiết nước tưới cho bà con. Đồng thời, huyện đang xin ý kiến các cơ quan cấp trên về nguồn vốn chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng của công trình, dự kiến sẽ cân đối từ nguồn ngân sách huyện để tu bổ và hoàn thiện toàn bộ tuyến kênh N26B, sớm đưa công trình vào sử dụng theo đúng công năng, mục đích. Người dân mong mỏi vấn đề này sớm được cơ quan có thẩm quyền giải quyết để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.