Multimedia Đọc Báo in

Tìm lại sản phẩm du lịch đặc thù

06:00, 27/03/2022

Cuối năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tiến hành khảo sát thực tế tại 10 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm tham mưu cấp thẩm quyền xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, từng bước tạo sinh kế góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân. Đến nay chính sách hỗ trợ trên đã được HĐND tỉnh thông qua, tuy nhiên hướng đi này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Anh Y Pháp Lưk - Trưởng buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) rất vui mừng khi buôn cổ M’Liêng được chính quyền huyện Lắk chọn làm điểm đến du lịch cộng đồng theo đề án phát triển loại hình du lịch này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Song, theo anh tâm sự, nhìn những gì đang diễn ra ở đây thì mục tiêu này khó có thể thực hiện được, do các yếu tố văn hóa, cảnh quan, môi trường đang bị xâm hại và phá vỡ nghiêm trọng vì tác động tiêu cực từ mặt trái của đời sống hiện đại mang lại.

Nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ truyền thống phục vụ du khách tại khu du lịch Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Theo anh Y Pháp Lưk, đáng báo động hơn cả là hầu hết số nhà dài ở đây đều trong tình trạng mục nát, hư hỏng nặng nề, buộc bà con phải sửa sang, cơi nới lại để sinh sống; nhưng với tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay thì không bao lâu nữa buôn cổ này chỉ còn trong ký ức. Thêm vào đó là nạn khai thác cát, đá bất kể ngày đêm tại bến nước phía Tây cuối buôn để phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ cũng như nhiều vùng lân cận khác càng đẩy nhanh mức độ xâm hại cảnh quan, môi trường sống ở buôn cổ M’Liêng theo chiều hướng báo động hơn. Hơn thế, cuộc sống hiện đại, văn minh cùng với “cơn lốc” đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại đây cũng đã khiến vốn văn hóa phi vật thể (là cồng chiêng, hát múa dân gian, thực hành nghi lễ, lễ hội truyền thống) dần biến mất, không còn hiện diện sinh động như trước nữa.

Buôn cổ M'Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đang đứng trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của đời sống hiện đại. Ảnh: Nguyễn Gia

Khoảng trống này được nhiều người có tâm huyết làm du lịch cộng đồng trong buôn M’Liêng như ông Y Jút Du, anh Y Khay On, Amí Thi thừa nhận: Buôn làng đã trở nên trống vắng hơn, ngay cả cái chiêng không có mà đánh thì lấy gì mà làm du lịch (?). Đúng vậy, được biết ngoài bộ chiêng đồng do ngành văn hóa huyện Lắk trang bị cho buôn M’Liêng cách đây gần 10  năm (hiện để tại Nhà Văn hóa cộng đồng) thì không còn bộ chiêng nào nữa được cộng đồng gìn giữ, bảo tồn do đã lâu không có thực hành văn hóa nào được cộng đồng người M’nông ở đây tổ chức. Từ những biến đổi, mất mát này - theo họ thì việc làm du lịch cộng đồng nhằm cải thiện đời sống cho mọi người  như kỳ vọng đặt ra là không khả thi…

 

Vốn văn hóa truyền thống ngày càng mai một, không gian sống bị đô thị hóa nhanh chóng, cùng những xung đột lợi ích đang diễn ra sâu sắc giữa các ngành nghề… là những thách thức đặt ra đối với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay".

 
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn 

Ở buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) thì rơi vào “vấn nạn” khác, khiến mục tiêu triển khai đề án làm du lịch cộng đồng ở đây trở nên mất lợi thế. Tuy là không gian sống của người dân trong buôn còn giữ được nét hoang sơ, thuần khiết với hệ thống vườn, rừng và nhà dài, kèm với văn hóa cồng chiêng, hát múa dân gian được gìn giữ, nhưng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng buôn Trí A, chừng ấy “vốn liếng” để làm du lịch cộng đồng thì chưa đủ, chưa có lợi thế để thu hút du khách. Bởi bà Lan cũng như nhiều người khác cho rằng không gian sống (cũng là không gian lịch sử - văn hóa) nói trên của tộc người Êđê tại chỗ chưa đủ sức hấp dẫn khách du lịch về mặt sản phẩm cũng như thời gian lưu trú, trải nghiệm do trùng lặp với nhiều buôn làng khác trên địa bàn. Du lịch cộng đồng ở đây chỉ thật sự tạo ra “cú hích” một khi giữ được sinh kế mà lâu nay người dân được thụ hưởng nhờ tài nguyên của dòng sông Sêrêpốk mang lại - đó là đánh bắt thủy hải sản, đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm bằng thuyền độc mộc, vốn là thế mạnh của người dân ở đây.

Nay thế mạnh ấy bị tước mất kể từ khi công trình thủy điện Sêrêpốk 4A chặn dòng vào năm 2004, khiến đoạn sông chảy qua buôn Trí A kiệt nước - và dĩ nhiên, hệ lụy kéo theo là mọi sinh kế nói trên không còn nên du khách không ai muốn đến đây nữa vì sản phẩm du lịch đặc thù kia biến mất - Trưởng buôn Trí A chia sẻ thêm. Điều đó được ông Y Lươm Knul - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn nhìn nhận và cho rằng, tự thân bà con làm du lịch cộng đồng dựa trên vốn tài nguyên, văn hóa nghèo kiệt như đã nêu thì không thể, nhưng khi liên kết với Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (buôn Trí B) thì sẽ khả thi hơn, bởi từ trước đến nay đã có nhiều hộ gia đình hợp tác cùng công ty du lịch này để cải thiện đời sống thông qua những hoạt động như diễn tấu cồng chiêng, hát múa dân gian, giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống…Vì thế, buôn Trí A rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Buôn Đôn.

Giới trẻ học nghề dệt ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Có thể nói, gợi mở trên của ông Y Lươm Knul là hướng đi thực chất giúp cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk tạo sinh kế, nâng cao thu nhập một cách bền vững. Ông Nguyễn Sơn Hưng - Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL) cũng đề xuất: Những buôn làng (có tiềm năng và đã được khảo sát) như buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk), buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), buôn M’Oa (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) nên hình thành mối liên kết, hợp tác và chia sẻ với các đơn vị làm du lịch có tiềm lực để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Ông Hưng cho biết những buôn làng trên đã được chính quyền địa phương đưa vào quy hoạch, phát triển du lịch từ nay đến năm 2030 với sự hình thành ngày càng rõ nét một số trung tâm du lịch cấp tỉnh như Hồ Lắk (huyện Lắk), Buôn Hồ, khu sinh thái Hồ Ea Kar - Đồi Chư Cúc (huyện Ea Kar) và khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (huyện Krông Bông). Những trung tâm du lịch này sẽ đóng vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy các “vệ tinh” buôn làng xung quanh kết nối nhằm hiện thực hóa chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.