Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi quyền sử dụng đất: Cần lưu ý “kẽ hở” hành chính

06:42, 03/04/2022

UBND TP. Buôn Ma Thuột đã phải ra quyết định kỷ luật cách chức hai lãnh đạo phường Thành Nhất vì liên quan đến những vi phạm về quản lý đất đai.

Phía sau vụ việc này, câu hỏi về “kẽ hở” liên quan đến thủ tục hành chính trong quản lý quy hoạch, thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho người dân mà giới kinh doanh đặt ra từ lâu, thật sự đã đến lúc phải đặt ra nghiêm túc.

Theo quyết định của UBND TP. Buôn Ma Thuột, hai cán bộ bị kỷ luật cách chức đều liên quan hành vi thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai; thiếu kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng, không kịp thời phát hiện, để nhiều người dân xây dựng nhà ở, mở đường, phân lô tách thành nhiều thửa đất nhỏ lẻ, lập khu dân cư trên đất nông nghiệp...

Tuy nhiên, đây không phải các trường hợp vi phạm cá biệt ở TP. Buôn Ma Thuột. Theo dư luận, thời gian qua, đặc biệt từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường nhà đất ở Đắk Lắk biến động, xuất hiện nhiều sự vụ người dân tự phân lô bán nền trên đất quy hoạch nông nghiệp, tạo những đợt “sốt ảo”. Riêng TP. Buôn Ma Thuột đã ghi nhận có thời điểm cùng lúc cả nghìn hồ sơ đăng ký chuyển đổi quyền sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở được nộp đến cơ quan chức năng, gây áp lực lớn lên hệ thống quản lý. Trong đó, có rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, cho thấy công tác kiểm soát hồ sơ từ người dân, của các cấp cơ sở, là có vấn đề. Đơn cử địa bàn như các xã Cư Êbur, xã Ea Kao (Buôn Ma Thuột), lực lượng chức năng ghi nhận hàng loạt trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường phân lô bán nền...

Theo một số luật sư, hiện trạng này có thể liên quan đến “kẽ hở” hành chính trong quản lý nhà đất lâu nay ở các địa phương, mà dư luận đã nhiều lần phản ảnh. Đó là Luật Đất đai quy định cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở được chuyển quyền sử dụng đất canh tác, nông nghiệp… sang thổ cư, tùy điều kiện cho phép. Việc tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra, đề xuất chấp thuận thuộc thẩm quyền các văn phòng quản lý đất đai của các sở tài nguyên và môi trường, chính quyền cơ sở.

Dựa vào lý do này, những tổ chức, cá nhân có thể lập các hồ sơ xin chuyển đổi đất, kết nối với các cán bộ xã, phường để phân lô bán nền các khu vực đất nông nghiệp, đất sản xuất một cách ồ ạt. Chỉ cần nộp được các hồ sơ này, rồi cầm giấy hẹn của cơ quan chức năng, là người dân có thể bán sang tay cho nhau, tác động không nhỏ ở những khu vực đang “nóng sốt” nhà đất.

Một nhà gỗ được dựng lên trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) buộc phải tháo dỡ. Ảnh: X. Trường

Đây thực sự đang là vấn đề “đau đầu” với các cơ quan quản lý chức năng tại Đắk Lắk và các đô thị, nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thời gian xác minh một hồ sơ từ khi nộp đến khi cơ quan hành chính trả lời có khi kéo dài đến 3 - 4 tháng, đã đủ để thị trường nhà đất xáo trộn dữ dội. Với niềm tin “sớm muộn gì cũng được chuyển đổi” đất vốn đã có giấy tờ, hồ sơ đã nộp, nhất là có “chấp thuận” của một số cá nhân ở chính quyền cơ sở, người dân rất dễ thuận ý giao dịch với nhau. Hậu quả, khi cơ quan chức năng phản hồi không chấp nhận hồ sơ, hành vi tự ý giao dịch ở người dân đã “qua nhiều tay”, đẩy giá đất lên rồi! Còn việc hàng trăm hồ sơ bị trả lại, tổn thất thế nào đến người mua kẻ bán thì lại… không thuộc trách nhiệm của ai cả!

Một "biến tấu" khác trong quản lý nhà đất, lợi dụng “kẽ hở” này, là người mua cứ đứng tên hồ sơ xin chuyển đổi sang tên quyền sử dụng đất, với lý do sẽ đầu tư làm các trang trại sinh thái, điểm du lịch… Việc này không thay đổi đất quy hoạch, dễ dàng được chấp thuận; song dần từng bước, người mua sẽ xây cất công trình lấn dần theo kiểu “tằm ăn rỗi”, vẫn sẽ hình thành các khu nhà ở trên đất nông nghiệp một cách “hợp pháp”. Hiện trạng này thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại Tây Nguyên, nhất là ở Bảo Lộc, Đà Lạt (Lâm Đồng) và nay đang lan tỏa sang Đắk Lắk.

Thực tế lâu nay, Đắk Lắk là địa phương kiên định tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, nghiêm cấm việc tự ý phân lô bán nền trong người dân làm tác động xấu đến công tác quản lý địa phương, ảnh hưởng diện tích đất sản xuất, an ninh lương thực… Chỉ nói riêng lượng hồ sơ nhà đất đăng ký xin chuyển đổi từ người dân địa phương, mà số hồ sơ thực sự có nhu cầu bức thiết của người dân về nhà ở chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ đã là một áp lực rất lớn với hệ thống quản lý chức năng. Bất kỳ sai sót, nhầm lẫn nào trong quá trình xử lý này cũng có thể gây nên ồn ào dư luận, khi có những cá nhân, tổ chức cố ý diễn biến thông tin bất lợi cho các cấp quản lý chính quyền.

Rõ ràng với hiện tượng “sốt đất” đang diễn ra ở Đắk Lắk, việc cách chức hai lãnh đạo cấp phường ở TP. Buôn Ma Thuột sẽ không phải cá biệt. Nếu không sớm có động thái kiểm soát chặt từ cấp quản lý chuyên ngành, nhận ra ngay và xử nghiêm những cán bộ địa phương “cấu kết” làm sai quy định, ngăn chặn triệt để khả năng lợi dụng “kẽ hở” hành chính để trục lợi, tình hình sẽ rất khó kiểm soát và dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Nguyên Đức

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.