Multimedia Đọc Báo in

Trì trệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

06:36, 03/04/2022

Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Thậm chí, một số đơn vị tỷ lệ giải ngân chỉ đạt từ 30 - 40% kế hoạch (KH) năm.

Đâu là nguyên nhân?

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm 2021 sau điều chỉnh trên địa bàn tỉnh là 3.212 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 1/2022 đã giải ngân được hơn 2.526 tỷ đồng (đạt 78,7% KH). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 78,3%, nguồn vốn ngân sách địa phương tỷ lệ giải ngân đạt 79% KH. Trong năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 3 đơn vị giải ngân đạt 100% KH gồm Công an tỉnh, Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường, UBND thị xã Buôn Hồ; 15 đơn vị giải ngân đạt 90 - 99% KH; 5 đơn vị giải ngân đạt từ 80 - 89% KH; 6 đơn vị giải ngân đạt 50 - 80% KH.

Đáng chú ý có 7 đơn vị giải ngân dưới 50% KH, trong đó có 2 đơn vị giải ngân chỉ đạt 30 - 40% KH gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 3 đơn vị giải ngân dưới 30% gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Chi cục Thủy sản; 2 đơn vị giải ngân 0% gồm Trường PTTH Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng và Sở Xây dựng.

Thi công công trình Hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).

Năm 2022, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch là hơn 2.052 tỷ đồng, đến ngày 18/3/2022 đã giải ngân được 77,7 tỷ đồng (đạt 3,8% KH). Có thể thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 đạt rất thấp.

Nguyên nhân của tình trạng này là hiện đang thời điểm đầu năm, vốn mới được giao, trong khi đa phần các công trình dự án đang làm công tác chuẩn bị đầu tư, chọn nhà thầu, tư vấn.

Cùng với đó là do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, kéo dài, giá cả vật liệu xây dựng biến động tăng nên một số chủ đầu tư còn chưa triển khai thi công đúng thời hạn quy định trong hợp đồng; có nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đôn đốc các nhà thầu thi công đúng thời hạn nên dẫn đến việc gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện...

Bên cạnh đó, những yếu kém, chậm trễ trong tổ chức đấu thầu, triển khai dự án, năng lực của nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, công tác giải phóng mặt bằng cũng khiến việc giải ngân vốn diễn ra ì ạch.

Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng phát biểu ý kiến tại cuộc họp chuyên đề về giải ngân vốn xây dựng cơ bản do UBND tỉnh tổ chức.

Một vấn đề bất cập nữa là mức thu hồi tạm ứng đối với công việc thực hiện thông qua hợp đồng (xây lắp, tư vấn...) còn chưa quy định rõ tỷ lệ, mức phải thu hồi tạm ứng qua từng lần thanh toán, dẫn đến chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất quy định trong hợp đồng mức thu tạm ứng rất thấp.

Vì vậy, số dư tạm ứng ở mức cao kéo dài cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới thu hồi hết tạm ứng. Một số dự án đã được phê duyệt quyết toán hoàn thành, nhưng vẫn chưa bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm, dẫn đến tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài.

Một số dự án chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt giá trị quyết toán được duyệt, kho bạc đã nhiều lần đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi nộp NSNN theo quy định, làm ảnh hưởng đến công tác lưu trữ và tất toán dự án của Kho bạc.

Tập trung “gỡ vướng”

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý) thông tin, tổng nguồn vốn XDCB thuộc NSNN năm 2021 sau điều chỉnh giao cho Ban Quản lý là hơn 1.566 tỷ đồng. Kết quả trong năm 2021, Ban Quản lý đã giải ngân 1.380 tỷ (đạt 88,2% KH). Tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản thuộc NSNN năm 2022 phân bổ cho Ban Quản lý là hơn 1.882 tỷ đồng để thực hiện 58 dự án, gồm 53 dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư và 5 dự án do bộ, ngành Trung ương quyết định đầu tư, đến ngày 28/3/2022 đã giải ngân được gần 57,2 tỷ đồng.

Công trình cầu vượt thuộc Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022, Ban Quản lý kiến nghị đối với các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2021 không giải ngân hết do nguyên nhân khách quan căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công và Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, cũng như bảo đảm kế hoạch vốn tiếp tục triển khai thực hiện các dự án.

Các sở, ban, ngành liên quan khi tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định và trong thời gian sớm nhất phải ban hành kết quả thẩm định hoặc hồ sơ đủ điều kiện thì phải kịp thời trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng đối với dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho đồng bào Mông ở xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) và dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, trong khi hai dự án này đã triển khai thi công, nhiều công việc đã hoàn thành nhưng chưa có vốn để thanh toán, nhiều hạng mục đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công nhưng chưa có vốn để tổ chức đấu thầu xây lắp.

Đối với Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, Ban Quản lý đã nhiều lần báo cáo, trình điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng vẫn được xem xét, trình HĐND tỉnh. Do đó, đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét trình HĐND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án để triển khai.

Thi công công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho hay, về nguồn vốn của tỉnh năm 2021 thành phố giải ngân được 95,8%, vốn thành phố giải ngân được 89%, quý I năm 2022 địa phương giải ngân được 18%. Để đạt được kết quả này, hằng tuần thành phố duy trì việc giao ban giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố với các phòng, ban liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB các dự án, đặc biệt đối với 2 dự án trọng điểm là đường Đông Tây và Hồ thủy lợi Ea Tam.

Mới đây, tại cuộc họp chuyên đề về công tác giải ngân vốn XDCB, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Cảnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, đơn vị có chức năng thẩm định tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ đúng thời gian, bảo đảm chất lượng. Sở Xây dựng định kỳ công bố năng lực, xếp hạng đối với các đơn vị thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp để các chủ đầu tư có cơ sở xem xét, lựa chọn khi đấu thầu. Các đơn vị được giao kế hoạch thu tiền sử dụng đất khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền bán đất để đảm bảo nguồn vốn đầu tư các công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường biện pháp đẩy nhanh GPMB, xử lý việc bồi thường khi thu hồi đất theo đúng chính sách và chế độ quy định.

Năm 2022, thành phố sẽ chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân trong việc tự nguyện hiến đất để Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình, nhất là các dự án giao thông và hiện nay đã cho kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải ngân vốn đầu tư XDCB của thành phố gặp nhiều khó khăn, cần chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Năm 2021 tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai dự án. Ở một số công trình trên địa bàn thành phố, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác GPMB giữa địa phương và chủ đầu tư dẫn tới chậm trễ tiến độ.

Hoàng Minh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.