Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp Ea Kar tìm đà vượt “bão”

08:03, 13/04/2022

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài cộng thêm giá các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao đã tạo những khó khăn, áp lực đối với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar. Với sự linh hoạt, thích ứng nhanh, các doanh nghiệp đã từng bước vượt “bão”, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh.

Cái khó không thể “bó chân” doanh nghiệp

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Việt Thắng (Cụm Công nghiệp Ea Đar) hiện có 65 lao động, chuyên sản xuất tủ nhựa, giày, dép nhựa các loại. Do tác động của dịch COVID-19 và những biến động của tình hình thế giới khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Một số công nhân bị nhiễm COVID-19, giá nhựa nguyên sinh tăng, giá cước vận chuyển sản phẩm cũng tăng 100.000 đồng/tấn so với trước đây đã gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Công đoàn, phụ trách kinh doanh của Công ty cho hay, mặc dù giá cả đầu vào tăng nhưng để giữ bạn hàng truyền thống ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, công ty đã linh động ứng phó với các tình huống. Đơn vị đã điều động những công nhân khỏe mạnh thay thế những trường hợp bị COVID-19 nhằm bảo đảm vận hành liên tục dây chuyền sản xuất các sản phẩm đang có đơn đặt hàng. Nhờ biết “lo xa” nên hằng năm, Công ty luôn nhập một số lượng lớn nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất. Vì vậy, dù giá nguyên liệu đang tăng cao nhưng đơn vị vẫn chưa bị cuốn vào “vòng xoáy” giá cả. Không những vậy, Công ty còn chấp nhận giảm lợi nhuận bù vào chi phí vận chuyển, giữ nguyên giá bán nhằm ổn định kinh doanh.

Sản xuất giày, dép nhựa tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Việt Thắng.

Là đơn vị sản xuất các mặt hàng trái cây sấy, Công ty TNHH Trái cây Darlac Farms (Cụm Công nghiệp Ea Đar) cũng gặp không ít khó khăn do chi phí vật tư, vận chuyển tăng. Hơn nữa, nhiều thời điểm hàng bị tồn kho hơn 20% so với mọi năm, doanh nghiệp còn phải gánh thêm phần lãi suất này và gặp khó trong quay vòng vốn. Mặc dù vậy, để bảo đảm việc làm liên tục cho 68 công nhân, công ty đã chủ động xây dựng thêm kho trữ lạnh, bảo quản nguồn nguyên liệu, tăng cường giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm bạn hàng nên vẫn giữ được sản lượng xuất khẩu từ 300 – 400 tấn trái cây sấy mỗi năm. Sắp tới, công ty còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy trên diện tích 3 ha tại khu B trong cụm công nghiệp để phát triển sản xuất, góp phần đáng kể giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương.

 

“Sự linh hoạt ứng biến, chủ động thích nghi của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng hành của chính quyền địa phương đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn trụ vững và phát triển, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chung của huyện”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền

Cùng doanh nghiệp vượt “bão”

Với phương châm “Đồng hành – sẻ chia”, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar đã được ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp sức vượt “bão”. Chẳng hạn như Công ty TNHH Đức Thịnh ở khối 10 (thị trấn Ea Knốp). Để giải bài toán khó khăn cả về đầu vào và đầu ra của sản phẩm, trước hết, công ty đã khảo sát, mở rộng địa bàn thu mua ở các vùng trồng điều trọng điểm ở các tỉnh Tây Nguyên, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định. Cùng với đó, từ sự kết nối của huyện, công ty còn được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng mua máy móc và vay mượn thêm vốn nâng cấp dây chuyền sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc phụ trách Công ty, việc tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, rút ngắn thời gian chế biến, sản xuất, đóng gói mà vẫn bảo đảm sản lượng hàng xuất khẩu. Thay vì làm thủ công, các công đoạn như lựa thô, hấp, bóc tách, sấy, bóc vỏ lụa, bắn màu, phân loại hạt, đóng gói đã được tự động hóa. Việc thay đổi tư duy làm ăn đã đem lại “lợi ích kép”, không chỉ giảm chi phí đầu vào, tăng gấp đôi năng suất lên khoảng 500 tấn/năm, mà còn giúp Công ty được cấp mã số xuất khẩu trong năm 2021. Điều này đã đưa thương hiệu “Hạt điều Đức Thịnh” vươn xa, có mặt ở thị trường Trung Quốc, Singapore và Nga.

Cơ sở sản xuất, chế biến hạt điều xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Thịnh.

Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt qua thời điểm khó khăn, huyện Ea Kar đã phối hợp với các ngành chức năng, viện nghiên cứu chuyển giao giống, dây chuyền sản xuất, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa, gạo, cây ăn quả, heo rừng, bò, gà...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền cho biết, ngoài các hoạt động trên, huyện đã tích cực triển khai các chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tái canh cà phê, các gói hỗ trợ của Chính phủ. Huyện cũng chú trọng thực hiện công khai minh bạch các loại quy hoạch và định hướng phát triển các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung; chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, nắm bắt thông tin về sản xuất, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng; đưa sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử…

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.