Multimedia Đọc Báo in

Dự án đội vốn: Đâu là nguyên nhân?

08:26, 08/04/2022

Trong những năm qua, không ít công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh bị đội vốn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ và giảm hiệu quả đầu tư dự án.

Đơn cử, Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng vào tháng 9/2015, tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu 998 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 90%, còn lại 10% từ nguồn ngân sách địa phương. Công trình có chiều dài 6,9 km, điểm đầu tại nút giao đường Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng, điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 27 với đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, là công trình cấp II, đường phố chính trung tâm, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, góp phần hình thành khu đô thị mới phía Đông Nam thành phố nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai vùng có dự án đi qua.

Theo kế hoạch, cuối năm 2018 công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nên dự án này kéo dài đến nay. Theo Quyết định số 215/QĐ-UBND, ngày 26/1/2021 của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh của dự án là 1.239 tỷ đồng (tăng 241 tỷ đồng so với tổng mức phê duyệt ban đầu tại Quyết định số 3188/QĐ-UBND, ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh).

Vướng mắc trong công tác GPMB khiến vốn đội lên cao cũng là nguyên nhân dẫn tới công trình thi công chậm trễ, kéo dài nhiều năm liên tục. Thực tế quá trình triển khai thi công công trình, nhà thầu gặp nhiều khó khăn, dù đã huy động máy móc, tập trung nhân lực, bãi tập kết vật liệu… nhưng không có mặt bằng nên không thể thực hiện. Chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đang quyết tâm thông xe kỹ thuật công trình đường Đông Tây thành phố vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2022 nhiều hộ dân trên tuyến vẫn chưa chịu nhận tiền bồi thường GPMB, buộc địa phương phải cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án.

Thi công công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Tương tự, Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa đoạn qua địa bàn xã Yang Tao (huyện Lắk) và xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) có tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến là 468 tỷ đồng, tăng 162,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Công văn số 129/HĐND-VP, ngày 21/3/2018 của HĐND tỉnh Đắk Lắk. Theo quyết định phê duyệt, dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2022, số vốn bố trí cho dự án này mới được hơn 155,4/305,5 tỷ đồng (đạt 50,87%, tỷ lệ này không bao gồm chi phí vốn đội như đã nêu trên), do vậy khả năng tạm dừng triển khai sẽ rất cao nếu không sớm điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa), tổng mức tăng lên chủ yếu tăng chi phí thực hiện công tác GPMB. Qua rà soát, tính toán lập phương án bồi thường GPMB theo thực tế dự án đã triển khai, giá trị bồi thường của dự án này tăng khoảng 133,35 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu. Cùng với đó, chi phí xây dựng công trình cũng tăng lên so với phê duyệt ban đầu. Cụ thể, theo thiết kế bản vẽ thi công, đơn vị tư vấn đã khảo sát, quy hoạch 3 bãi vật liệu phục vụ thi công công trình này.

Tuy nhiên, khi tiến hành công tác đền bù GPMB thì tổng diện tích rừng đặc dụng của dự án là hơn 20 ha (theo Điều 20 Luật Lâm nghiệp: thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi rừng là Thủ tướng Chính phủ). Do đó để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, giảm ảnh hưởng đến diện tích rừng thì phải giảm diện tích khai thác của các bãi vật liệu. Chủ đầu tư đã tổ chức tìm kiếm bãi vật liệu bổ sung (khoảng 10 ha), dẫn đến phát sinh cự ly vận chuyển cách công trình khoảng 9 km. Do đó, chi phí xây dựng tăng thêm khoảng 19 tỷ đồng. Còn lại là phát sinh do các chi phí khác, chi phí dự phòng thực hiện dự án.

Về phía địa phương, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, hiện nay phương án đền bù GPMB của Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa đoạn qua huyện Cư Kuin đã được phê duyệt, nhưng chưa có kinh phí. UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư cân đối, bố trí nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất đã được phê duyệt phương án đền bù GPMB. Đồng thời, chủ đầu tư sớm cung cấp lại trích lục thiết kế điều chỉnh để UBND huyện triển khai công việc liên quan đến công tác đền bù GPMB.

Công trình Hồ chứa nước Yên Ngựa đoạn qua xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh tại cuộc họp chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công mới được UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa có tổng mức đầu tư tăng quá cao nên phải tạm dừng, không thể trình Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa X vì nguồn đã bố trí rồi.

Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Cảnh yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ vào quyết định chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh thông qua, chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện lập hồ sơ dự án để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đặc biệt, trong quá trình lập dự án cần lựa chọn các phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng công trình theo quy định, không làm tăng tổng mức đầu tư. Trường hợp đã lựa chọn các phương án, giải pháp kỹ thuật tối ưu nhưng vẫn tăng tổng mức thì chủ đầu tư phải chủ động đề xuất phương án phân kỳ để đảm bảo hiệu quả, phù hợp với số vốn đã được giao trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.