Nỗ lực ổn định thị trường trước biến động giá
Giá xăng dầu tăng dẫn đến biến động giá ở nhiều ngành hàng. Giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ngành công thương tỉnh sẽ triển khai những giải pháp nào để góp phần bình ổn giá, ổn định thị trường. Đây là vấn đề được người dân hết sức quan tâm.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông LƯU VĂN KHÔI, Giám đốc Sở Công thương chung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ở góc độ ngành công thương, ông nhận định như thế nào về nguồn cung, sức mua hàng hóa cũng như tình hình biến động giá cả trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua?
Việc xăng dầu liên tiếp tăng giá mạnh kể từ đầu năm 2022 đã tác động trực tiếp làm tăng giá thành đầu vào, tạo áp lực lên hàng hóa sản xuất trong nước, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế. Cùng với xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm và giá dịch vụ có xu hướng tăng theo. Đây là những nguyên nhân chính góp phần làm giá cả tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2022, sức mua của người dân tăng mạnh do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng vào các dịp lễ, Tết đầu năm 2022. Đồng thời, một số chính sách nới lỏng phòng, chống dịch COVID-19 đã góp phần gia tăng doanh thu của các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh, nên lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường thực hiện gần 23.717 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, do nguồn cung hạn chế nên có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã tạm thời đóng cửa. Sở đã yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý xăng dầu trong và ngoài tỉnh bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tránh để tình trạng thiếu nguồn cung cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện, làm rõ từng cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không hoạt động...
Riêng ở lĩnh vực công nghiệp, trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang chuyển sang trạng thái thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh, qua đó, các doanh nghiệp cũng đã dần thích ứng linh hoạt, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu, nhiên vật liệu, phục vụ sản xuất tăng cao. Hiện tại, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hóa thiết yếu ổn định, mặc dù giá cả một số mặt hàng tiêu dùng trong thời gian qua có tăng nhẹ.
Thời điểm này, giá cả đang có xu hướng tăng ở nhiều ngành hàng, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, phía ngành công thương Đắk Lắk đã có kế hoạch như thế nào để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong tỉnh, thưa ông?
Trước tình hình trên, Sở Công thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các chợ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng hóa, nhất là các loại nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu người dân. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh nắm tình hình nguồn cung hàng hóa, đẩy mạnh kết nối giao thương nhằm bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Song song với đó, Sở chủ động làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị phân phối tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khan hàng. Sở khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị đẩy mạnh hoạt động khuyến mại nhằm giảm áp lực của việc tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Với nỗ lực của ngành công thương và hệ thống phân phối bán lẻ ở địa phương, kết quả trong quý I/2022, Sở đã xác nhận 4.240 hồ sơ khuyến mại, tăng đến 150% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả thị trường biến động có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, tôi nghĩ, về phía doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các đơn vị cung ứng hàng hóa cần chủ động tính toán chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển cũng như các yếu tố cấu thành giá, giá thành sản phẩm. Từ đó, chủ động ứng phó trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới đang có xu thế tăng nhằm bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị thực hiện để kích sức mua trên thị trường. Ảnh: Đ. Lan |
Mặc dù chúng ta khẳng định hàng hóa cung ứng luôn được đảm bảo, không bị đứt gãy, tuy nhiên, sẽ khó tránh khỏi tình trạng “té nước theo... xăng”, vậy ngành công thương đã có những giải pháp như thế nào về vấn đề này?
Đến thời điểm hiện tại thì tình hình nguồn cung xăng dầu có phần ổn định hơn so với trước đây. Hiện, các thương nhân phân phối xăng dầu lớn trên địa bàn như: Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu… đã có kế hoạch chủ động nguồn hàng cho thị trường. Trong đó, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên hiện đang cung ứng xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng hơn 50% tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn, cam kết bảo đảm cân đối đủ, liên tục, đã góp phần đáp ứng nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ người tiêu dùng địa phương.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp cố tình lợi dụng sự tăng giá của mặt hàng xăng dầu để đẩy giá hàng hóa lên cao, Sở Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường, Cơ quan Thường trực 389 của tỉnh quyết liệt tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, nhất là các nhóm mặt hàng thiết yếu, góp phần tích cực trong việc kiểm soát giá, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lan (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc