Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất lúa gạo ở Đắk Lắk: Nhiều triển vọng để ra "biển lớn" (kỳ 2)

08:13, 06/04/2022

Kỳ 2: Tháo gỡ nút thắt để nâng tầm sản phẩm lúa gạo

Phát triển lúa gạo thành sản phẩm hàng hóa là hướng đi mới trong ngành nông nghiệp của tỉnh nên ban đầu còn không ít khó khăn. Do đó, để tạo ra những sản phẩm có giá trị khác biệt với lúa gạo vùng đồng bằng và tiến đến xuất khẩu thì Đắk Lắk cần rất nhiều trợ lực trên lộ trình này.

Thúc đẩy liên kết chuỗi

Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đã thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với nông dân. Tiêu biểu như huyện Krông Bông đã hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Từ năm 2019 đến nay, HTX đã xây dựng được 2 tổ liên kết tại xã Khuê Ngọc Điền và xã Hòa Sơn, 4 tổ hợp tác tại các xã Cư Kty, Hòa Tân, Ea Trul và Yang Reh, với 580 thành viên, tổng diện tích liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm khoảng 400 ha.

HTX đã thực hiện tốt các khâu trong chuỗi liên kết gồm: cung ứng đầu vào (lúa giống, bơm tưới, làm đất, vật tư nông nghiệp, thu hoạch); khâu sản xuất (quản lý lịch thời vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật); khâu thu gom và khâu tiêu thụ.

Việc thực hiện đồng bộ các khâu đã cải thiện rất nhiều về năng suất, độ đồng đều của sản phẩm, đồng thời tạo được giá trị gia tăng cho lúa gạo vùng này.

Một cơ sở chế biến gạo trên địa bàn huyện Ea Kar.

Tại các huyện như Ea Kar, Lắk, Krông Ana, Ea Súp…, trong những năm qua cũng đã hình thành nhiều liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hoạt động liên kết sản xuất lúa gạo ở các địa phương bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nông dân tự mình trang bị và nâng cao được trình độ sản xuất cũng như thông tin thị trường, chủ động áp dụng cơ giới hóa, giảm các chi phí trung gian, sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng đều và được ký kết bao tiêu sản phẩm.

Điều này cũng đã tạo tiền đề để nông dân liên kết cùng HTX, doanh nghiệp cùng nhau phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho rằng, muốn đầu tư công nghệ lớn trước hết cần phải liên kết vùng. Các huyện trồng lúa sẽ đầu tư xây dựng những vùng sản xuất lúa tập trung và liên kết với nhau để cùng áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn, tập trung đầu tư khoa học công nghệ… và cho ra những sản phẩm chất lượng đồng đều, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù diện tích và năng suất đứng đầu khu vực Tây Nguyên nhưng ở Đắk Lắk, các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều, liên kết sản xuất với nông dân chưa bền vững.

Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được sản phẩm lúa gạo chất lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản lúa gạo còn thấp.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để khắc phục những hạn chế này, Đắk Lắk đang từng bước thực hiện các giải pháp về phát triển diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn. Trong đó, khuyến khích liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, HTX, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông phục vụ phát triển vùng sản xuất lúa chuyên canh theo hướng đồng bộ từ ứng dụng khoa học công nghệ đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên phát triển các vùng có diện tích lúa tập trung, đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa, có hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, giao thông thuận lợi…

Cánh đồng nhỏ, công nghệ lớn

Mặc dù tiềm năng lớn nhưng hoạt động sản xuất lúa gạo ở Đắk Lắk vẫn gặp không ít khó khăn. Trước hết là việc ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, như: áp dụng quy trình canh tác chưa đồng bộ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu những nghiên cứu về sau thu hoạch và chế biến, cơ giới hóa, các giải pháp tưới tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi còn ít...

Ngoài ra sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, lũ lụt; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng... chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa; hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất đến đầu mối tiêu thụ, xuất khẩu chưa đáp ứng và kết nối thị trường rất hạn chế.

Kho bảo quản lúa gạo của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình. 

Các chuyên gia cho rằng, muốn khắc phục những hạn chế này, Đắk Lắk cần tổ chức lại sản xuất theo hướng đầu tư khoa học công nghệ để tạo sản phẩm khác biệt thay vì phát triển lúa gạo theo hướng đại trà như ở vùng đồng bằng.

Theo GS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, vì diện tích sản xuất lúa ở Đắk Lắk không nhiều, nông dân đang sản xuất trên một diện tích nhỏ nên phải hợp tác với nhau tạo ra các HTX để có vùng sản xuất tập trung, đồng thời tác động dưới công thức: diện tích nhỏ, công nghệ lớn.

Bởi Đắk Lắk có khí hậu thuận lợi và nếu ứng dụng những công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo (hay còn gọi là nông nghiệp chính xác) thì sẽ nâng cao được giá trị lúa gạo Đắk Lắk.

Mặt khác, Đắk Lắk có đa dạng các loại đất khác nhau, vì vậy không nên chỉ đầu tư sản xuất vào một loại lúa thơm như hiện nay mà cần phải đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo, nhất là đầu tư phát triển các sản phẩm chức năng từ lúa gạo đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng thế giới, ví dụ gạo cho người bị tiểu đường, gạo cho người bị huyết áp… thì mới tạo ra được sự khác biệt cho hạt lúa gạo ở Đắk Lắk với đồng bằng sông Cửu Long.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng xác định lúa gạo là một mặt hàng chủ lực. Do đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai giải pháp ưu tiên để phát triển ngành hàng lúa gạo.

Cụ thể: xác định lại bộ giống của lúa gạo phù hợp với từng nơi, từng vùng và xây dựng vùng sản xuất giống bảo đảm chất lượng; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, phù hợp với từng loại giống, từng điều kiện của địa phương để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng và có đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường; tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển các tổ chức của nông dân, đặc biệt là các HTX để thống nhất trong vấn đề ứng dụng các bộ giống phù hợp, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật, giải pháp canh tác tiên tiến đồng bộ. Và đầu ra sẽ liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ gắn với các thị trường…

Ông Nguyễn Hoài Dương cho rằng, đây là các giải pháp hết sức quan trọng để tạo ra giá trị hàng hóa lúa gạo lớn ở khu vực Tây Nguyên.

Để làm được điều này, Đắk Lắk cần xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy phát triển vùng sản xuất lúa gạo hỗ trợ cho HTX, người nông dân, cho doanh nghiệp trong vấn đề đầu tư sản xuất cũng như xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời hướng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lúa gạo của địa phương để có thể đáp ứng các nhu cầu và nâng cao giá trị khi đưa ra thị trường trong nước và đặc biệt phục vụ cho xuất khẩu.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.