Sử dụng hóa đơn điện tử: Xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số
Theo quy định, từ ngày 1/7/2022, tất cả người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ sẽ sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động sử dụng loại hóa đơn này và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực so với hóa đơn truyền thống.
Công ty TNHH Truyền thông Star Media (TP. Buôn Ma Thuột) mới được thành lập giữa năm 2021. Sau khi đi vào hoạt động, qua tìm hiểu và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp đã lựa chọn và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Cư M'gar - Buôn Đôn hướng dẫn doanh nghiệp về triển khai thực hiện hóa đơn điện tử. Ảnh: M.Thông |
Phó Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Star Media Lê Dũng Hà cho biết, qua thực tiễn cho thấy việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp đơn vị có thể thực hiện liên thông, kết nối ứng dụng kế toán và hóa đơn điện tử, qua đó, giúp kế toán và ban giám đốc dễ dàng giám sát, quản lý được doanh thu, theo dõi chi tiết số thuế phải kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước. Việc sử dụng loại hóa đơn mới này đã rút ngắn thời gian thanh toán và quản lý hóa đơn.
Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử cũng giúp công khai, minh bạch hóa thông tin đối với khách hàng, phòng, chống gian lận thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, với việc sử dụng hóa đơn điện tử, công việc của kế toán về tính thuế, khai thuế, nộp thuế thông suốt không bị gián đoạn và giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và người nộp thuế.
Đắk Lắk là một trong 57 địa phương được Bộ Tài chính lựa chọn triển khai áp dụng hóa đơn điện tử bắt đầu từ tháng 4/2022 theo Quyết định số 206/QĐ-BTC, ngày 24/2/2022 của Bộ Tài chính. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử. Đến ngày 1/7/2022, tất cả người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. |
Tương tự, ông Đinh Vũ Dương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Toyota Buôn Ma Thuột cho biết, với đặc thù sử dụng khá nhiều hóa đơn, trước đây kế toán của công ty mất nhiều thời gian thực hiện việc in và chuyển hóa đơn đến khách hàng, nên tốn nhiều chi phí in ấn, nhân công. Việc lưu trữ hóa đơn cũng khá phức tạp, công tác tra cứu thông tin về hóa đơn mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng hóa đơn điện tử thì những bất cập, hạn chế của hóa đơn giấy đã được khắc phục. Hóa đơn được phát hành nhanh hơn, giảm chi phí nhân công in, phát hành. Ứng dụng hóa đơn điện tử giúp công ty số hóa được thông tin khách hàng, tạo thuận lợi cho việc tra cứu, giảm thiểu rủi ro cháy, mất, hỏng hóa đơn.
Theo ông Nguyễn Công Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, việc sử dụng hoá đơn điện tử là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý thu ngân sách nhà nước, thay đổi phương thức quản lý thuế ngày càng hiện đại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cơ quan thuế và xã hội; góp phần khắc phục tình trạng gian lận, làm giả, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người nộp thuế về sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: M.Thông |
Để áp dụng hóa đơn điện tử trên diện rộng, ngành thuế đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu; đẩy mạnh công tác tập huấn về áp dụng hóa đơn điện tử cho công chức thuế và người nộp thuế; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế; chủ động và tích cực phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, để việc triển khai hóa đơn điện tử được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, không chỉ có sự nỗ lực của ngành thuế mà còn cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan, cùng với sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Về phía các tổ chức, doanh nghiệp nên có sự chủ động chuẩn bị về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử uy tín đã được Tổng cục Thuế công nhận để tạo sự an tâm và thuận lợi nhất, đồng thời nên áp dụng trước thời điểm ngày 1/7/2022, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, dẫn đến bị động, công việc bị gián đoạn.
Duy Thông
Ý kiến bạn đọc