Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui cho ngành ong mật

08:11, 19/04/2022

Thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong  mà Hoa Kỳ áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Điều này giúp ngành mật ong có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tín hiệu khả quan

Ngày 8/4/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng về mức thuế trong vụ việc điều tra chống bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Argentina, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam. Theo đó, mức thuế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Như vậy, so với kết luận sơ bộ, biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam ở kết luận cuối cùng giảm gần 7 lần. Đây là những tín hiệu tích cực giúp các doanh nghiệp và người nuôi ong ở Đắk Lắk thoát được những khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Ông Đinh Quang Khang (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang sở hữu gần 6.000 đàn ong. Ông cho biết, sau khi DOC công bố áp mức thuế sơ bộ chống bán phá giá hơn 412% khiến các công ty xuất khẩu mật ong thu mua nhỏ giọt vì sản phẩm không xuất khẩu được. Trước khó khăn trên, gia đình cũng tự tìm kiếm khách hàng nhỏ lẻ để tiêu thụ nội địa, nhưng sản lượng bán cũng chưa được nhiều. Khi nghe thông tin mức áp thuế giảm xuống còn 58,74% - 61,27% thì người nuôi ong ở Đắk Lắk cũng đỡ lo lắng hơn về đầu ra và kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ có những nỗ lực để tiếp tục đưa sản phẩm ong mật xuất khẩu sang thị trường này để người nuôi ong có thể duy trì được nghề.

Cùng với người nuôi ong, những doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang kỳ vọng vào kết luận của DOC. Công ty Cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột đang thu mua mật của 1.000 hộ nuôi ong, sản lượng hằng năm 3.000 – 5.000 tấn, trong đó xuất đi thị trường Hoa Kỳ khoảng 90%. Ông Trần Văn Dược, Giám đốc công ty cho biết: Mức thuế chống bán phá giá dự kiến hiện tại gần như sẽ được áp dụng. Mật ong Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm của Ấn Độ vì nước này chỉ bị áp thuế gần 6%. “Chúng tôi hy vọng thị trường Hoa Kỳ vẫn chấp nhận mật ong Việt Nam vì có những ưu thế phù hợp với nhu cầu thị trường nước bạn”, ông Dược chia sẻ.

Một trang trại ong đang khai thác ở xã Ea Tul, huyện Cư M'gar.

Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, kết luận sơ bộ ban đầu này có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị. Tuy nhiên, về mặt thương mại thì lại không có ý nghĩa nhiều. Bởi lẽ, trong khi mức thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức gần 6%, còn áp dụng đối với Việt Nam ở con số 58,74% - 61,27%, đây là con số quá cao. Kết quả này đã tiến bộ nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Với mức thuế này thì mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được mật ong của Ấn Độ tại thị trường Hoa Kỳ. Nếu công bằng thì mức thuế phải bằng hoặc thấp hơn mức thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp cho Ấn Độ.

Cần đa dạng hóa thị trường

Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2021 đạt 56.133 tấn, với kim ngạch khoảng 82,1 triệu USD.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam trao đổi với các cơ quan của Hoa Kỳ ở những giai đoạn tiếp theo (đánh giá thiệt hại, rà soát thuế chống bán phá giá…) nhằm hỗ trợ ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng trong vụ việc này theo đúng các quy định của WTO, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam.

 

Về lâu dài, ngành ong mật Việt Nam cần những giải pháp mang tính bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường xuất khẩu để hạn chế rủi ro. “Với người nuôi ong, cần chăm sóc kỹ đàn ong, chuyển sang chế độ nuôi hiện đại để tạo sản phẩm chất lượng, bảo đảm yêu cầu của thị trường xuất khẩu”.

ông Trần Văn Dược, Giám đốc Công ty Cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ cũng đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mật ong đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như tiếp cận các thị trường khác, khai thác hiệu quả lợi ích của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, hằng năm sản lượng mật ong của tỉnh Đắk Lắk trung bình 28.000 tấn, trong đó, sản lượng xuất khẩu khoảng 20.000 tấn. Sở Công thương đang phối hợp với Sở NN-PTNT đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ nội địa, đưa các sản phẩm mật ong của các công ty kinh doanh, xuất khẩu mật ong trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, phát động chương trình chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mật ong của Đắk Lắk đến các địa phương trên cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu mật ong tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương để mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Thông qua hệ thống các thương vụ, tham tán thương mại, đại sứ quán tại các nước trên thế giới nhằm giới thiệu sản phẩm mật ong Việt Nam, tìm kiếm thị trường, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ai len (UKVFTA)... để chuyển đổi thị trường xuất khẩu, giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang thị trường Hoa Kỳ.

Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong một mặt nắm bắt thông tin từ DOC, mặt khác năng động đổi mới, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm mật ong, tăng cường chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm mật ong, giữ vững  thương hiệu góp phần tăng giá bán trên thị trường trong nước và quốc tế.

Minh Thuận - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.