Multimedia Đọc Báo in

Cần gỡ “nút thắt” đối với thu phí tự động không dừng

08:10, 16/05/2022

Hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng (ETC) mới được triển khai trên địa bàn tỉnh được một thời gian, song quá trình vận hành đã phát sinh không ít bất cập. Với thực tế đó liệu có đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra là đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện cơ giới được dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC?

Theo Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT, ngày 31/12/2021 của Bộ giao thông vận tải (GTVT) và lộ trình hiện đại hóa việc thu phí đường bộ tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc phải chuyển từ hình thức thu thủ công sang điện tử không dừng.

Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định có hay không việc duy trì làn thu phí hỗn hợp (áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng trên mỗi chiều lưu thông).

Trạm thu phí Ea Đar, huyện Ea Kar đã bố trí làn thu phí ETC. Ảnh: Hoàng Tuyết

Tại Công điện số 155/CĐ-TTg (gọi tắt là Công điện số 155), ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Theo đó, Chính phủ cũng yêu cầu đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện cơ giới trên toàn quốc được dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC.

Thực hiện Công điện số 155, ngày 2/3/2022 UBND tỉnh đã có Công văn số 1595/UBND-CN giao các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức ETC.

Ngay sau đó, Sở GTVT cũng ra văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh tăng cường triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải, trung tâm đăng kiểm, bến xe, doanh nghiệp BOT, công ty cung cấp dịch vụ ETC… trên địa bàn tỉnh tổ chức dán thẻ ETC đối với toàn bộ phương tiện thuộc diện thu phí do bộ ngành, địa phương quản lý.

Đắk Lắk có hai trạm thu phí đường bộ gồm: Trạm BOT Quang Đức (trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ) và Trạm thu phí Ea Đar (trên Quốc lộ 26 đoạn qua huyện Ea Kar). Đến nay, các trạm này đã đưa vào vận hành hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức ETC theo đúng lộ trình.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Trạm thu phí Ea Đar, để đáp ứng nhu cầu của người và phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông, trạm đã bố trí song song cả làn thu phí thủ công và làn thu phí ETC. Về mặt kỹ thuật, hệ thống thu phí ETC đã vận hành ổn định. Chỉ có một số trường hợp đặc thù trong kết nối như mua vé tháng đối với xe biển 4 số, đồng bộ dữ liệu xe ưu tiên...

Tuy nhiên về mặt vận hành vẫn còn một số lỗi như việc chủ phương tiện dán thẻ sau lớp Film cách nhiệt của kính chắn gió nên khi xe qua trạm máy quét không đọc được tín hiệu; nhiều lái xe đi qua chưa biết trạm đã vận hành ETC nên vẫn trả tiền mặt...

Xe qua làn thu phí ETC tại Trạm thu phí Ea Đar (huyện Ea Kar). Ảnh: L. Thành

Tài xế Nguyễn Đức Anh (trú xã Cư Ni, huyện Ea Kar) chia sẻ: Việc thu phí ETC giúp người tham gia giao thông đỡ mất thời gian dừng trả tiền mặt khi qua trạm, tránh ùn tắc, nhất là vào dịp lễ, Tết, khi lượng phương tiện đi lại đông. Tuy nhiên, đối với phương tiện xe ô tô gia đình ít ra ngoại tỉnh nên không dán thẻ, hoặc chưa kịp nạp tiền vào tài khoản điện tử để sử dụng dịch vụ ETC thì trạm cũng nên bố trí cả làn thu phí thủ công.

Thường xuyên lưu thông trên tuyến Nha Trang - Buôn Ma Thuột, tài xế xe khách Nguyễn Quang Trung phản ánh, xe của anh đã dán thẻ thu phí ETC Epass và trong tài khoản ví Viettel Pay luôn có từ 500 nghìn - 1 triệu đồng, nhưng nhiều lần qua Trạm thu phí Ea Đar vẫn bị báo là lỗi thẻ.

Hình thức thu phí ETC là chủ trương lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông công nghiệp vào giao thông, là một bước đi quan trọng góp phần hướng tới giao thông thông minh. Tuy nhiên, do việc quản lý vận hành thời gian qua vẫn còn tồn tại một số lỗi kết nối nên không ít trường hợp lái xe mặc dù có dán thẻ nhưng vẫn phải thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài ra, nhiều chủ phương tiện cũng chưa mặn mà với hình thức thu phí ETC, bởi họ cho rằng phương tiện chỉ di chuyển trong thành phố, hoặc ít đi qua các trạm thu phí. Theo số liệu thống kê tại hai trạm thu phí đường bộ trong tỉnh cho thấy tỷ lệ phương tiện qua làn ETC còn thấp, thậm chí vẫn phải bố trí người ngồi thu tiền mặt tại làn này. Đơn cử như tại Trạm thu phí Ea Đar, trung bình mỗi ngày có khoảng 48,9% phương tiện sử dụng thẻ điện tử thu phí ETC. Trong số đó, lượng thẻ nạp đủ tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ chỉ chiếm khoảng 65%.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ và việc sử dụng dịch vụ ETC, các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối với chủ phương tiện xe cơ giới. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ cần đưa ra giải pháp xử lý các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí nếu phát sinh; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.