Multimedia Đọc Báo in

Để du khách gắn cùng điểm đến

14:58, 15/05/2022

Với tiêu chí “Đắk Lắk điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên” cho kế hoạch phục hồi du lịch địa phương từ cuối năm 2021 và cả năm 2022, ngành du lịch tỉnh đang kỳ vọng tạo dấu ấn hấp dẫn du khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Mong du khách quay lại

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho thấy, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tỉnh đã đón 55.800 lượt khách, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa có 55.625 lượt; với lượng khách ngoại tỉnh đến địa phương tăng 50% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng Bảo tàng Đắk Lắk đón hơn 250 đoàn khách tham quan với 1.455 lượt khách; có 1.441 lượt khách trong nước.

Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những con số tăng lên này đánh dấu có sự hồi phục cần thiết cho ngành du lịch địa phương. Nhưng, mức tăng này vẫn chưa đạt dự kiến, đặc biệt vẫn chưa thể hiện tính bền vững bởi lẽ địa phương vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, rà soát lại các sản phẩm, dịch vụ cơ hữu, để du lịch Đắk Lắk thực sự níu giữ chân du khách.

Du khách thưởng thức rượu cần và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Êđê tại Khu du lịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: M.Sao

Ông Hà chia sẻ, băn khoăn bao năm qua của du lịch Đắk Lắk là phải làm sao níu giữ được du khách, đến và quay lại, chứ không thể là dạng du lịch “bề mặt” chỉ tò mò tìm đến một lần. Bình diện du lịch và nhất là thẩm thấu văn hóa ở Đắk Lắk, Tây Nguyên thật ra rất đa dạng, nhiều tầng nấc sâu sắc. Đáng buồn là bao năm qua, cách khai thác du lịch chỉ quanh quẩn ở bề nổi, đa số du khách đến Đắk Lắk chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, lướt qua một vài địa chỉ, tiêu chí du lịch bề ngoài, theo nhóm đông người mà thôi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song cốt lõi là địa phương không tạo được sản phẩm đặc thù đủ độ hấp dẫn, đủ độ chín muồi về thưởng thức văn hóa, tương tác giải trí nên du khách không có động lực quay lại.

Dịch bệnh COVID-19 đã tạo nên một cơ hội định dạng lại vấn đề này. Thay vì chạy theo số lượng du khách đến, du lịch địa phương phải chững lại, rà soát chất lượng tiếp đón du khách, bảo đảm các yêu cầu dịch tễ cùng đòi hỏi của du khách với các sản phẩm họ mua. Kết quả, ngay những nhóm du khách dễ tính nhất cũng nhận thấy các dòng sản phẩm du lịch mà địa phương đưa ra đều hời hợt, thậm chí đi ngược lại mong muốn của họ.

Thái độ phục vụ, cầu thị của du lịch địa phương lại chỉ được thể hiện ở vài động tác xin lỗi qua quít, viện lý do “chưa đủ kinh nghiệm, còn sơ sót” để bào chữa cho hiện trạng lơ đễnh, thờ ơ. Những sản phẩm du lịch cần thiết, tại các điểm đến, chỉ được tô vẽ bên ngoài, dùng câu từ tươi tắn miêu tả, khi đưa vào hiện thực lại khập khiễng, bó buộc. Khi lượng du khách đến đông, người ta không để ý điều này nhưng trong thời điểm dịch bệnh thì vấn đề lộ rõ. Vậy làm sao du lịch Đắk Lắk đủ sức níu chân du khách?

Cần thêm những điểm đến giá trị

Trước yêu cầu phục hồi bền vững, du lịch Đắk Lắk hậu dịch bệnh phải có thay đổi từ chính căn cơ tổ chức, xây dựng và điều tiết sản phẩm đặc thù. Vấn đề này, theo ông Thái Hồng Hà, đã được ngành đặt ra những tháng qua, và đến nay cơ bản nhận diện rõ vấn đề triển khai thế nào.

Biểu hiện cụ thể là địa phương rà soát, tổ chức các sản phẩm du lịch đặc thù, thật sự chất lượng hấp dẫn. Tùy thực tế và tiềm năng điểm đến, Sở yêu cầu các địa bàn có “sản phẩm định vị và sự kiện định kỳ”. Tại kỳ nghỉ lễ vừa qua, du lịch Đắk Lắk đã giới thiệu với công chúng vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” tổ chức ở Bảo tàng Đắk Lắk, là một sản phẩm văn hóa du lịch mới sẽ có lịch biểu diễn định kỳ hằng tháng với du khách. “Đây là hướng tổ chức mới của du lịch địa phương, tại các điểm đến, có sản phẩm thực sự độc đáo, riêng biệt; và theo lịch, mỗi điểm đến sẽ có những sự kiện văn hóa du lịch. Như thế, du khách đến với Đắk Lắk sẽ có những tour, điểm hẹn độc đáo tùy thời điểm, để họ có thể quay lại nhiều lần mà không nhàm chán”, ông Hà lý giải.

 
Làm sao để du khách đến đây, trải nghiệm và hiểu biết thêm những điều mới lạ, kỳ thú về Tây Nguyên, nhất là văn hóa bao đời, là nỗ lực mà ngành du lịch hướng tới”.
 
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà

Đây cũng là vấn đề mà du lịch Tây Nguyên và cả nước cần đặt ra. Làm sao để du khách thực sự hài lòng với các điểm đến và sẵn sàng quay lại một địa phương, một vùng đất vào từng thời điểm. Ví dụ theo ông Hà, vào đầu tháng, du khách có thể đến Bảo tàng Đắk Lắk và tham quan TP. Buôn Ma Thuột với những điểm hẹn lý thú; nếu họ đến sau ngày 10 có thể đi huyện Lắk; cuối tháng có thể đi Buôn Đôn… Cũng là đầu tháng, nhưng tháng 3 du khách được mời xem trang trại cà phê, tháng 5 thưởng thức sầu riêng đầu vụ, tháng 7 ăn bơ… Mỗi mốc thời gian phù hợp ấy, nếu có được những lễ hội đặc trưng, Đắk Lắk dĩ nhiên sẽ thu hút được du khách mua tour, đặt chỗ để quay lại…

Ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, điều đáng mừng là đến nay, ngành du lịch địa phương đã có kế hoạch cụ thể về phục hồi du lịch sau đại dịch và đi kèm là một chương trình hành động lớn với các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng, tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm đến và doanh nghiệp đầu tư khai thác hiệu quả. Trong đó, những lĩnh vực du lịch thế mạnh ở Tây Nguyên gắn với bản sắc văn hóa đã được ngành định vị rõ nét, như phát huy văn hóa cồng chiêng, tổ chức, điều tiết du lịch trải nghiệm sinh thái, sử dụng đúng hình ảnh sản vật Tây Nguyên, bảo tồn voi, thú quý hiếm…

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.