Multimedia Đọc Báo in

"Nâng tầm" liên kết, phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên

15:00, 15/05/2022

Vượt qua sự đơn lẻ, thụ động trong việc thu hút khách du lịch đến với miền Trung - Tây nguyên và ngược lại - đến nay các tỉnh thành trong khu vực đã kết nối, hợp tác cùng nhau nhằm thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này ngày càng mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả hơn.

Minh chứng cho điều đó, ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho hay: Trong khuôn khổ “Diễn đàn Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” được Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với với tỉnh Kon Tum tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, ngành du lịch 6 tỉnh (Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum) đã ký kết hợp tác, phát triển khá toàn diện nhằm đẩy nhanh mức tăng trưởng cho ngành kinh tế này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi.

Nội dung ký kết bao gồm: Hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; Hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Hợp tác trong công tác hoàn thiện các chính sách gắn với cộng đồng và phát triển du lịch bền vững; Hợp tác trong công tác điều phối kết hợp liên vùng, liên ngành; Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để tìm kiếm và mở rộng thị trường…

Du khách tham quan thác Thủy Tiên (xã Ea Púk, huyện Krông Năng). Ảnh: Thế Hùng

Theo ông Đức, trong số nội dung ký kết, hợp tác nói trên thì việc hình thành nên “nhạc trưởng” điều phối mọi hoạt động du lịch trên toàn vùng được xem là yếu tố cần thiết và căn cơ nhất nhằm phát triển “ngành công nghiệp không khói” ở đây. “Nhạc trưởng” này là đại diện lãnh đạo các Sở VH-TT&DL/Sở Du lịch của các tỉnh thay nhau thường niên điều hành Chương trình hợp tác phát triển du lịch trong khu vực trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm và phân chia lợi ích một cách hài hòa, bền vững. Có thể nói, mối liên kết, hợp tác phát triển ấy sẽ giúp các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên hướng đến đẳng cấp và thương hiệu trên bản đồ du lịch cả nước; từng bước gỡ “nút thắt” đơn lẻ, thụ động, thậm chí là cục bộ địa phương đã từng xảy ra trong thời gian qua - và hơn thế, tiến tới chấm dứt tình trạng “tranh mua, tranh bán” bằng nhiều chiêu thức tiêu cực, trong đó đáng phàn nàn nhất là việc hạ giá thành sản phẩm du lịch tại các tour/tuyến để thu hút du khách đến với mình.

 

“Thông qua Ban điều phối du lịch vùng miền Trung - Tây Nguyên, các doanh nghiệp làm du lịch có cơ hội, điều kiện xây dựng và đưa ra chiến lược kinh doanh, thông tin sản phẩm rõ ràng nhằm xây dựng niềm tin với đối tác, kích cầu du khách ở các vùng miền trên cả nước đến với mỗi tỉnh thành và ngược lại”.

 
Ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk

Mặt khác, nó cũng giúp cộng đồng làm du lịch ở đây giải bỏ sự trùng lặp cả về tính chất lẫn thời điểm tổ chức sản phẩm du lịch trong khu vực, nhất là loại hình du lịch văn hóa - lễ hội của các cộng đồng dân tộc tại chỗ. Từ đó có thể xây dựng các chương trình/sản phẩm du lịch kết nối, xuyên suốt cho toàn vùng như: “Con đường Di sản”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Trường Sơn huyền thoại” hay “Caraval tour” xuyên hành lang kinh tế Đông - Tây và gần đây là “Famtrip Caravan Tây Nguyên huyền thoại” được Sở VH-TT&DL các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Bình Định phối hợp với Công ty Du lịch VND Travel Quy Nhơn - Bình Định tổ chức khảo sát và kết nối vào trung tuần tháng 2/2022 nhằm gia tăng biên độ phát triển trong thời gian tới.

Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), điểm đến du lịch cộng đồng đặc sắc được nhiều du khách lựa chọn. 

Đối với Đắk Lắk, ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà - Buôn Đôn cho rằng: Từ mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch có tính chất liên vùng và thực chất như thế mới thấy hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận trên các phương diện: lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận mang lại cho mỗi đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch.

Ví như ở Đắk Lắk hiện nay có khoảng 25 công ty lữ hành nội địa và quốc tế, chuyên đưa đón, giới thiệu và phân phối lượng khách cho các khu, điểm du lịch trên toàn vùng, nên sự kết nối với nhau để thu hút du khách đến với những tour/tuyến nói trên là hết sức cần thiết, bởi qua đó giúp du khách chọn điểm đến một cách dễ dàng, thuận lợi hơn trong quỹ thời gian nhất định của mình.

Chẳng hạn, khi du khách đến Đắk Lắk - muốn trải nghiệm với “ Văn hóa voi”, thưởng ngoạn danh thắng và sinh hoạt ở các hộ gia đình người M’nông, Êđê, Lào trong thời gian 1 đêm 2 ngày thì đến khu du lịch Hồ Lắk, Buôn Đôn; muốn trải nghiệm với văn hóa cà phê, cồng chiêng, du lịch mạo hiểm, hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì tìm đến Đam San, Banmeco, Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) hay Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Krông Ana)...

Có thể nói, từ nhận thức ấy, các đơn vị làm du lịch trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng sẽ có sự điều phối, phân bố hợp lý hơn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, mạnh mẽ và bền vững trong bức tranh du lịch đa sắc màu, đặc thù và hấp dẫn mà không chồng chéo và trùng lặp như trước đây.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc