Multimedia Đọc Báo in

Để nhãn hiệu "Gà thịt Ea Kar" không “chết yểu”

07:52, 11/05/2022

Huyện Ea Kar vốn nổi tiếng với đặc sản cơm gà và sản phẩm “Gà thịt Ea Kar” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hơn một năm nay. Chưa kịp vui mừng vì sản phẩm được “chứng sinh”, người chăn nuôi và lãnh đạo địa phương đang rất trăn trở trong việc nuôi dưỡng, phát triển, phát huy hiệu quả nhãn hiệu này.

Chuồng trại đìu hiu

Đến thời điểm này, đàn gia cầm của huyện Ea Kar chỉ còn gần 1,5 triệu con, giảm khoảng 1 triệu con so với cuối năm 2018. Nhiều hộ chăn nuôi gà đã ngừng tái đàn hoặc chỉ nuôi cầm chừng.

Là hộ có thâm niên nuôi gà thịt hơn 14 năm nhưng hỏi về chuyện chăn nuôi, anh Đăng Văn Dực (thôn 22, xã Cư Ni) buồn rười rượi: “Gia đình tôi có 6 trại nuôi gà với số lượng trung bình hơn 13.000 con thì nay chỉ còn 2 trại nuôi 3.000 con; 3 trại bỏ hoang, 1 trại đã cải tạo lại chuyển sang nuôi heo. Hai năm vừa qua, nhà tôi lỗ “sấp mặt” vì gà, giờ giá tăng cao thì không có mà bán, muốn tái đàn cũng không có vốn”.

Ban đầu, gia đình anh Dực cũng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau đó mạnh dạn vay 400 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình 1.000 con gà xuất bán, gia đình cũng có lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi đó, gà đủ ngày vẫn không thể xuất bán được khiến chi phí tăng cao, gia đình anh thua lỗ, phải giảm dần số lượng.

Gia đình chị Hồ Thị Thảo (thôn 22, xã Cư Ni) đã phải giảm hơn 1/3 số lượng gà nuôi.

Gia đình chị Hồ Thị Thảo ở cùng thôn cũng lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì... chăn nuôi gà. Lúc giá cao không có gà bán, lúc đầy chuồng gọi tư thương không ai sốt sắng mua. Thời điểm năm 2018 và 2019, gia đình chị nuôi khoảng 6.000 con gà thịt, trung bình 3,5 tháng xuất bán cũng thu lãi 70 – 80 triệu đồng. Nhưng trong hơn hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, chi phí đầu vào tăng, đầu ra khó khăn khiến việc chăn nuôi của gia đình chị “tuột dốc”, chỉ nuôi cầm chừng từ 1.000 đến 2.000 con. “Nhìn trại bỏ không mà xót, vốn vay ngân hàng chưa trả xong, giờ giá gà đang tăng trở lại, muốn tái đàn cũng “bó tay” vì cụt vốn. Hơn nữa, thị trường bấp bênh không biết đường nào mà lần”, chị Thảo lo lắng.

Để không thua ngay trên sân nhà

Vốn là chủ một trang trại có tiếng về chăn nuôi gà thịt, sản xuất con giống và đã phát triển thành Công ty TNHH Giống gia cầm An Phú, nhưng hiện nay, ông Đoàn Tâm Kê (thôn 1A, xã Cư Ni) cũng đang trăn trở, loay hoay tìm hướng đi cho thương hiệu “Gà thịt Ea Kar”. Quy mô chăn nuôi gà của gia đình ông đã giảm liên tục, từ 40.000 còn xuống còn 2.500 con; số lượng con giống xuất bán cũng giảm từ 150.000 con/tháng xuống còn 30.000 con/tháng. Vì thế, một số liên kết chuỗi mà công ty đã ký kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã dần đứt gãy.

Ông Đoàn Tâm Kê (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm An Phú (thôn 1A, xã Cư Ni) kiểm tra con giống trước khi xuất bán.

Theo ông Kê, người chăn nuôi gà thịt trên địa bàn huyện đang thua ngay trên sân nhà. Sở dĩ như vậy là do trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài, lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí đầu vào liên tục tăng, giá bán gà giảm. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư đã nhảy vào lĩnh vực này, cung ứng từ con giống, thức ăn, dịch vụ thú y, bao tiêu đầu ra cho các hộ nuôi gà theo hướng công nghiệp, tạo ra những con “gà mù” – loại gà chỉ ăn, ngủ, tạo thịt. Vì vậy, thời gian nuôi mỗi lứa gà ngắn, chỉ tầm 2,5 tháng, chi phí thấp hơn, giá thành hạ, tiếp thị tốt đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, đánh "sập" những hộ chăn nuôi gà thả vườn nhỏ lẻ trên địa bàn. Việc con gà nuôi công nghiệp “ăn theo” nhãn hiệu “Gà thịt Ea Kar” đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn và người tiêu dùng.

 
Muốn giành lại thị phần trên sân nhà, huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng lò mổ đạt tiêu chuẩn, phát triển sản xuất gà thịt theo chuỗi, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra ổn định, khuyến khích nông dân tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất, đóng gói sản phẩm mang nhãn hiệu “Gà thịt Ea Kar”, tránh sự trà trộn, lợi dụng”.
 
Ông Đoàn Tâm Kê, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm An Phú

Qua tìm hiểu được biết, để được cấp nhãn hiệu chứng nhận, ngành chức năng huyện Ea Kar đã thực hiện rất nhiều quy trình, từ lập bản đồ vùng địa lý sử dụng nhãn hiệu, văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh có sử dụng trong nhãn hiệu; xây dựng logo nhãn hiệu chứng nhận và quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu; thuyết minh đặc tính, tính chất, chất lượng gà thịt Ea Kar trình UBND huyện phê duyệt, sau đó lập hồ sơ nộp Cục Sở hữu trí tuệ.

Trong thời gian chờ thẩm tra hồ sơ khoảng một năm, tiếp tục thiết kế mẫu tem nhãn sử dụng cho nhãn hiệu, xây dựng quy chế cấp, sử dụng, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng quy trình kỹ thuật phục vụ cho việc tạo ra sản phẩm đáp ứng chất lượng mang nhãn hiệu chứng nhận.

Ông Phạm Quang Tân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar cho biết, để phát huy hiệu quả việc sử dụng nhãn hiệu, phát triển tài sản trí tuệ của huyện, cần tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh gà thịt trên địa bàn biết để thực hiện chăn nuôi và tiêu thụ gà thịt mang nhãn hiệu chứng nhận “Gà thịt Ea Kar”; tổ chức tốt công tác quản lý và vận hành website quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gà thịt Ea Kar”. Đồng thời, các ngành chức năng của huyện tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được UBND huyện ban hành trong chăn nuôi gà thịt có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gà thịt Ea Kar”; giám sát và quản lý chất lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhãn hiệu này.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.