Để quả vải Đắk Lắk hướng đến thị trường xuất khẩu: Cần gỡ khó trong khâu liên kết chuỗi
Với lợi thế là chín sớm hơn vải các tỉnh phía Bắc nên mùa vải ở Đắk Lắk đã trở thành tâm điểm cho các thị trường trái cây trong nước. Điều này cũng khiến sản phẩm trái vải của Đắk Lắk bán được với giá cao. Chính vì đầu ra luôn tốt nên nhiều nông dân chưa quan tâm đến việc liên kết sản xuất để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Chưa nhiều mô hình liên kết chuỗi
Xuất phát từ giá trị kinh tế mang lại từ cây vải khá cao (chỉ đứng sau cây sầu riêng) nên trong những năm gần đây, các địa phương đã bắt đầu chú trọng phát triển cây vải theo hướng hàng hóa. Tổng diện tích cây vải trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 2.200 ha, diện tích cho thu hoạch 1.100 ha; sản lượng đạt khoảng 10.500 tấn.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, mặc dù hiện nay cây vải đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh nhưng chủ yếu vẫn do nông dân tự trồng, tự bán. Vì vậy, việc liên kết sản xuất còn nhiều vướng mắc do nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.
Vườn vải của nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar). |
Đơn cử như huyện Ea Kar, mặc dù diện tích vải khá lớn (khoảng 1.000 ha) nhưng chưa có nhiều mô hình liên kết bền vững ngoại trừ xã Ea Sar (có 300 ha vải). Chính quyền xã Ea Sar đã đứng ra vận động, hỗ trợ thành lập các tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, HTX), kết nối với doanh nghiệp để dẫn dắt nông dân trên địa bàn phát triển cây vải theo hướng bền vững nhằm tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu vải.
Hay ở huyện Krông Năng, mặc dù phát triển cây vải khá nhanh, tuy nhiên cũng chỉ có xã Ea Dăh là địa phương đầu tiên của tỉnh có vùng trồng tập trung lớn, phù hợp để tỉnh xây dựng mã vùng trồng với diện tích 110 ha nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Mặc dù vậy, người trồng vải ở đây vẫn chưa quan tâm đến việc sử dụng mã vùng trồng như thế nào để nâng cao giá trị cho quả vải thay vì cứ bán cho thương lái.
Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh cho biết, từ năm 2010 - 2012, người dân ở đây bắt đầu chuyển đổi những diện tích hoa màu, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây vải và thấy phù hợp, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.
Để ổn định đầu ra cho bà con, trước đây HTX cũng đã liên kết với vài doanh nghiệp nhưng ký kết xong thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nên việc giao thương bị gián đoạn, dẫn đến chuỗi sản xuất bị đứt gãy, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được với người dân nên không nắm được người dân đang có gì, muốn gì và cần hỗ trợ gì? Hiện nay, cái khó khăn của người dân ở đây là về khoa học kỹ thuật; quy trình chăm sóc và ký kết hợp đồng thu mua lâu dài…
Đây là những vấn đề mà hiện các chuỗi liên kết chưa làm được, đó cũng là lý do khiến nông dân chưa quan tâm đến mã vùng trồng. HTX mong muốn làm sao tham gia được vào chuỗi sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời nhân rộng ra toàn xã để hình thành được vùng nguyên liệu vải có mã số, tạo thuận lợi trong sản xuất và thương mại sản phẩm.
Nông dân trên địa bàn xã Ea Sar (huyện Ea Kar) thực hiện đóng gói quả vải để vận chuyển đến các thị trường. |
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, vải là loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vì vậy phải có mã số vùng trồng. Tuy nhiên, theo quy định, để cấp mã số vùng trồng thì phải có diện tích tập trung từ 10 ha trở lên, trong khi ở Đắk Lắk chủ yếu là trồng xen, diện tích trồng tập trung đủ tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng không nhiều.
Chính vì vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng đang gặp không ít khó khăn. Do đó các địa phương cần xây dựng các chuỗi liên kết và khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhấn mạnh: "Cấp mã số vùng trồng hiện nay là một yêu cầu bắt buộc để minh bạch trong sản xuất, từ trồng, chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Song, thật sự mà nói, đến thời điểm này còn nhiều đơn vị sản xuất, nông dân vẫn chưa hiểu rõ về mã số vùng trồng. Chính vì vậy, các đơn vị chuyên môn như chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cấp mã số, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để sát cánh với nông dân trong việc thực hiện chuỗi liên kết". |
Cần tháo "nút thắt" trong liên kết
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc HTX Sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc) chia sẻ, khó khăn khi thực hiện liên kết là nhận thức của người sản xuất, bởi vì họ đang ở tư thế là chưa nằm trong một tổ chức nào cả. Và trước đây, những chương trình tổ chức liên kết khá rời rạc, chưa hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm, bởi vậy niềm tin của người dân còn rất nhiều hạn chế.
Do đó, khi tổ chức liên kết, HTX phải quy hoạch lại từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm chủ lực. Sau đó tổ chức lại quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và mời những doanh nghiệp, đơn vị thu mua tham gia vào chuỗi ngay từ đầu. Làm điều này để giúp người dân định hình được quy trình sản theo chuỗi. "Ví dụ như khi sản xuất sản phẩm A ở vùng A, làm cho khách hàng A thì ngay từ đầu phải xác định tiêu chuẩn của nó là cái gì, chứ không thụ động theo kiểu làm xong rồi đến gần thu hoạch mới tìm kiếm thị trường hoặc là đi xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, khi xây dựng chuỗi liên kết thì vấn đề đầu ra là trách nhiệm của HTX và đầu vào HTX đưa ra quy trình kỹ thuật bà con phải thực hiện để đáp ứng các yêu cầu đề ra, trong quá trình sản xuất, khi người nông dân gặp khó khăn thì HTX tìm những giải pháp hỗ trợ họ", ông Trung nói.
Đại diện doanh nghiệp liên kết hướng dẫn nông dân xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) quy trình chăm sóc vườn cây khi vải đã đậu quả. |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đơn vị cũng rà soát những vùng đất phù hợp với sự phát triển cây vải nhằm khuyến khích các hộ dân chuyển đổi sang trồng vải để hình thành vùng sản xuất tập trung cho loại cây này.
Điều này sẽ tạo lợi thế rất nhiều cho cây vải Đắk Lắk, trước hết là thành lập được tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất; kiểm soát chất lượng đầu vào, chất lượng sản phẩm; gắn kết với các doanh nghiệp thu mua chế biến để hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hoạch, đóng gói, bảo quản theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu/đối tượng khách hàng, tạo đầu ra ổn định.
Hiện nay, Sở NN-PTNT cũng đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả tập trung, cũng sẽ định hướng cụ thể vùng nào trồng cây gì cho phù hợp với thời tiết khí hậu của từng địa phương.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc