Multimedia Đọc Báo in

Mắc ca - thêm hướng phát triển mới cho nông nghiệp Ea H’leo

08:08, 27/05/2022

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Ea H'leo phát triển mạnh cây mắc ca. Thực tế cho thấy, mắc ca là một trong những loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có hiệu quả kinh tế cao và đang tạo ra động lực mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Huyện Ea H’leo nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 82 km. Huyện có 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 11 xã và thị trấn Ea Drăng. Toàn huyện có tổng diện tích đất tự nhiên là 133.409 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp 78.379,86 ha (chiếm 58,75% diện tích tự nhiên), với khoảng 65% diện tích đất bazan màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp nói chung và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nói riêng, trong đó có cây mắc ca.

Vườn mắc ca của ông Nguyễn Văn Hạnh (ở thôn 8A, xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo) phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. 

Với lợi thế diện tích trồng cây lâu năm lớn (59.548 ha), chủ yếu là cây cà phê, rất phù hợp với việc phát triển trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê để cải thiện những vườn năng suất thấp. Qua thực tiễn cho thấy loài cây này khá phù hợp với vùng đất của huyện và đem lại thu nhập cao cho người dân.

Trên địa bàn huyện Ea H’leo có một số vùng đã trồng mắc ca đạt năng suất cao, chất lượng tốt và có sản phẩm bán ra thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tập trung ở 4 xã, gồm: Ea Nam, Dliê Yang, Ea Hiao, Ea Sol, với tổng diện tích hơn 356 ha (xã Ea Nam: 170,8 ha, xã Dliê Yang: 74,5 ha, xã Ea Hiao: 99 ha, xã Ea Sol: 12 ha).

Theo GS. Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam, với những mô hình thành công ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk và Ea H'leo nói riêng đã chứng minh mắc ca hoàn toàn có thể phát triển tốt. Những đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu đều phù hợp để loại cây này phát triển. Hơn thế nữa, cây mắc ca không chỉ là loại cây giúp tăng độ bao phủ rừng mà thực tế đã chứng minh đây là đối tượng có thể giúp bà con nông dân ở những vùng đồi núi, vùng sâu, vùng xa có thể có điều kiện để vươn lên, phát triển kinh tế.

Ông Dương Văn Minh (ở thôn 7B, Ea Hiao) trồng xen khoảng 5.500 cây mắc ca trong vườn cà phê được gần 4 năm, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Ông Minh cho biết, cây mắc ca phát triển tương đối ổn định và vườn mắc ca của ông bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2021. Mỗi cây cho năng suất khoảng 4 kg hạt khô. Sản phẩm được gia đình ông sấy khô, đóng gói gửi đi các tỉnh thành với giá bán dao động từ 170.000 - 250.000 đồng/kg.

Cần phát triển có căn cơ

GS. Nguyễn Lân Hùng cho rằng, cây mắc ca mang lại giá trị kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều… Đây là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng. Đồng thời, việc trồng mắc ca cũng là trồng lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện môi trường thiên nhiên đang bị suy giảm. Tuy nhiên, do đặc điểm là cây rừng, thời gian sinh trưởng, thu hoạch kéo dài hàng chục năm nên việc phát triển cây mắc ca phải đặc biệt lưu ý trong lựa chọn cây giống để bảo đảm tính bền vững cả về chu kỳ phát triển của cây cũng như thu nhập của người nông dân.

Sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp mắc ca Ea H'leo đã được thương mại. Ảnh: HTX

Theo Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo Nguyễn Văn Hà, với những lợi thế cũng như hiệu quả mà cây mắc ca mang lại, địa phương xác định mắc ca sẽ là một trong những loại cây trồng chủ lực, được khuyến khích phát triển ở Ea H'leo. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển diện tích trồng cũng như chế biến mắc ca trên địa bàn.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của loại cây này, rất cần có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; bảo hiểm cho chương trình phát triển cây mắc ca trên cơ sở ưu đãi vay dài hạn phù hợp với chu kỳ đầu tư, kinh doanh cây mắc ca. Cùng với đó áp dụng công nghệ đối với sản xuất và chế biến mắc ca, trước mắt cần hình thành các vùng sản xuất mắc ca ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.