Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của nguồn lực dự trữ quốc gia trên địa bàn

07:55, 26/05/2022

Chặng đường 30 năm là mốc son ghi dấu những bước tiến quan trọng của Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nam Tây Nguyên trong việc thực hiện tốt chức năng trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) và quản lý nhà nước về DTQG trên địa bàn.

Đoàn kết, đồng thuận vượt qua khó khăn

Ngày 26/5/1992, Chi cục Dự trữ Tây Nguyên (tổ chức tiền thân của Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên) chính thức được thành lập theo Quyết định số 657/DT-QĐ của Cục DTQG trực thuộc Văn phòng Chính phủ (nay là Tổng cục DTNN, trực thuộc Bộ Tài chính) có nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu dự trữ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

 Chặng đường 10 năm đầu thành lập (1992 - 2002), đơn vị đối diện với nhiều thách thức: đội ngũ cán bộ công chức phần lớn chưa qua đào tạo nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn về bảo quản hàng hóa DTQG; cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, hệ thống kho cũ, xuống cấp. Mặt hàng dự trữ chủ yếu là gạo, được bảo quản bằng phương pháp đóng bao, thóc được bảo quản bằng phương pháp đổ rời, thông thoáng tự nhiên...

Chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi nhập kho, bảo đảm hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Năm 2003, Chi cục được đổi tên thành DTQG khu vực Tây Nguyên với 4 tổng kho, gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Giai đoạn này, hệ thống kho dự trữ, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý, bảo quản gạo, thóc, vật tư cứu hộ cứu nạn được đầu tư, cải tạo; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên. Đáng chú ý, đơn vị đã sử dụng khí CO2 để bảo quản mặt hàng gạo và phương pháp yếm khí cho mặt hàng thóc.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 20/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 106/QĐ-TTg, theo đó DTQG khu vực Tây Nguyên được tách thành Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên và Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên. Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG được trang bị hiện đại, riêng mặt hàng gạo được chuyển sang bảo quản bằng khí nitơ.

Là đơn vị trực thuộc Tổng cục DTNN, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên quản lý hoạt động DTQG trên địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; địa bàn quản lý rộng nên đơn vị gặp không ít khó khăn. Mỗi nhiệm vụ cứu trợ đều đặt ra yêu cầu phải ứng cứu kịp thời trong điều kiện đột xuất, hoàn cảnh bất thuận… Trong yêu cầu đó, tập thể cán bộ, công chức của Cục luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh để đưa hàng cứu trợ đến tận tay người dân lúc cần.

Chủ động nguồn lực, sẵn sàng trong mọi tình huống 

Thời gian qua, hoạt động DTQG đã được triển khai tốt trên địa bàn, góp phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương. Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã tích cực, chủ động mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG theo kế hoạch được giao; xây dựng phương án giá mua, bán theo quy định. Cùng với đó, thực hiện xuất hàng DTQG để cứu trợ, cứu nạn, hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, đầy đủ số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (bìa trái) và ông Nguyễn Nam Thắng, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên (thứ hai từ trái sang) kiểm tra kho hàng dự trữ quốc gia tại TP. Buôn Ma Thuột.
 
Phát huy truyền thống của thế hệ cán bộ đi trước, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên quyết tâm giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong nội bộ, tận tâm tận lực, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
 
Ông Nguyễn Nam Thắng, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên

Hằng năm, Cục đã kịp thời xuất cấp hàng nghìn tấn lương thực, hàng trăm nhà bạt, áo phao cứu sinh… bảo đảm chất lượng, đúng đối tượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ học sinh, hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong những hoàn cảnh đột xuất, cấp bách và khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thiếu đói xảy ra.

Riêng những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, bằng sự nỗ lực không ngừng, Cục đã khẩn trương xuất cấp gần 2.900 tấn gạo hỗ trợ người dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; xuất hơn 2.107 tấn gạo hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2021 - 2022 và người dân tỉnh Đắk Lắk bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xuất gần 500 tấn gạo hỗ trợ người dân tỉnh Đắk Nông trong dịp giáp hạt đầu năm 2022. Mới đây, Cục cũng hoàn thành nhập 7.000 tấn gạo DTQG năm 2022 theo đúng tiến độ, bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng.

Trên thực tế, nguồn lực DTQG tại đơn vị đã được sử dụng, phát huy có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tạo được sự tin tưởng, đánh giá cao của người dân trên địa bàn. Qua đó, đã phát huy vai trò của DTNN trong tình hình mới, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình, góp phần tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết khác của Nhà nước.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ động dự báo tình hình, rà soát, đề xuất nhu cầu về lương thực, vật tư cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả quản lý, sử sụng nguồn lực DTQG trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.