Sầu riêng đối mặt với biến đổi khí hậu
Sầu riêng là một trong những loại trái cây đặc sản của Đắk Lắk, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết biến đổi bất thường đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng, khiến loại cây này đứng trước nguy cơ mất mùa.
Tháng 4 là thời gian cây sầu riêng bắt đầu giai đoạn ra hoa, đậu quả. Đây là thời điểm quan trọng quyết định năng suất, chất lượng quả. Theo quan sát của người dân, từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay, thời tiết lạnh hơn so với mọi năm kèm mưa sớm đã khiến hoa sầu riêng năm nay nở không đều và muộn, người dân đang lo lắng cho năng suất, chất lượng sầu riêng bị ảnh hưởng.
Gia đình anh Đinh Công Tuấn (thôn 9, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có 2 ha diện tích sầu riêng xen cà phê tại thôn 11 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) được trồng từ năm 2018, hiện đang bước vào thời kỳ kinh doanh. Anh Tuấn cho hay, các năm trước, vào thời điểm này sầu riêng đã bung hết hoa và bắt đầu đậu quả, nhưng năm nay hoa vẫn còn nở lác đác. Nếu hoa sầu riêng ra đều, việc thụ phấn sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 3, nhưng đến nay đã là tháng 5 không chỉ gia đình anh Tuấn mà nhiều người dân tại địa phương vẫn chưa tiến hành xong giai đoạn thụ phấn.
Anh Tuấn cho biết thêm, năm 2021 thời tiết khắc nghiệt, mùa lạnh kéo dài khiến sầu riêng nở hoa không đồng đều, tập trung phát triển ở các cành nhỏ mà không ra ở các cành lớn. Tuy nhiên, nếu như để quá nhiều trái ở các cành nhỏ thì cây sầu riêng sẽ không phát triển khỏe mạnh, bị gãy cành khi quả phát triển. Vì vậy, để bảo đảm cho việc nuôi quả tốt thì gia đình anh phải tỉa bớt, chỉ có thể để lại 1 - 2 quả trên mỗi cành. Trung bình một cây sầu riêng anh Tuấn để 30 – 40 quả nhưng năm nay sầu riêng ra hoa không đều, hoa và quả rụng nhiều (khoảng 20 - 30%) trên mỗi cây, có nhiều cây “mất trắng” khiến sản lượng vườn sầu riêng của anh giảm 30% so với mọi năm.
Vườn sầu riêng của gia đình anh Đinh Công Tuấn tại thôn 11 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) chỉ tập trung phát triển hoa ở các cành nhỏ. |
Huyện Krông Pắc được xem là “thủ phủ” của sầu riêng với diện tích trên 3.300 ha, người dân cũng đang thấp thỏm cho vụ mùa năm nay. Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) có hơn 1,4 sào đất trồng sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Gần 10 năm gắn bó với cây sầu riêng, nhưng chưa năm nào ông Hiệp thấy loại cây này phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu như năm nay.
Ông Hiệp chia sẻ, năm 2022 thời tiết lạnh kèm theo mưa sớm khiến cho diện tích sầu riêng của gia đình ông phát triển đọt rất mạnh. Hiện tượng “đọt nối đọt”, đọt và hoa không ra cùng lúc, dẫn đến việc cạnh tranh nhau chất dinh dưỡng. Cây sầu riêng ưu tiên phát triển đọt trước khiến hoa bị rụng nhiều, thậm chí rụng quả sinh lý. Để bảo đảm sản lượng, ông Hiệp tiến hành bổ sung các loại thuốc (lân, kali…) để đọt nhanh già, cây tập trung phát triển hoa. Nếu như mọi năm chỉ cần thúc thuốc một lần thì năm nay ông đã thực hiện đến 6 lần nhưng đọt vẫn phát triển mạnh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 ha sầu riêng, được trồng nhiều tại các huyện như Krông Pắc, Krông Năng, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ. |
Không chỉ riêng ông Hiệp mà toàn bộ diện tích 200 ha trồng sầu riêng tại thôn Tân Bắc đều gặp tình trạng tương tự. Ngoài việc thúc bổ sung các loại thuốc, thì gia đình ông Hiệp cùng nhiều người dân trong thôn đã thực hiện xiết nước, tạo khô hạn để hoa ra đều.
Thường trong giai đoạn này ông Hiệp chỉ cần xiết nước trong khoảng 20 - 30 ngày là hoa đã nở hết, nhưng hiện nay xiết nước tới 35 - 40 ngày hoa vẫn nở lác đác nên ông phải xiết nước lần 2. Bên cạnh đó, có nhiều rẫy cách 20 ngày hoa sầu riêng nở một lần, người dân phải tiến hành thụ phấn hoa sầu riêng trong khoảng thời gian dài rất vất vả. Ông Hiệp xót xa: “Năm nay chi phí đầu tư gấp đôi mọi năm, nhưng dự kiến sản lượng sầu riêng ở vườn của tôi giảm khoảng 20 - 30%”.
Mưa sớm kèm theo thời tiết lạnh khiến vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) bị rụng hoa chỉ còn lác đác quả. |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, để thích ứng với điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, Chi cục khuyến cáo người dân ngoài việc chủ động chăm sóc, bón phân, điều chỉnh thời gian ra hoa… nên chủ động trồng xen nhiều loại cây, hạn chế phụ thuộc vào một loại cây trồng nhất định.
Khánh Thùy
Ý kiến bạn đọc