Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”
Thu hút hơn 300 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia cao cấp thuộc nhiều lĩnh vực của cả nước, Hội thảo khoa học Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia vừa diễn ra ngày 27/5 tại TP. Buôn Ma Thuột là bước đệm quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái, bản sắc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia đầu ngành về kinh tế, du lịch trình bày những tham luận mang ý nghĩa thực tiễn, thiết thực. Trong đó tập trung vào các nội dung về: thương hiệu đô thị và cách tiếp cận xây dựng thương hiệu cho TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê thế giới”; các nhân tố định vị thương hiệu Buôn Ma Thuột - Thành phố cà phê thế giới; định hướng chất lượng môi trường đối với việc phát triển thương hiệu đô thị Buôn Ma Thuột - Thành phố cà phê thế giới; giải pháp phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”. Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận, đánh giá về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia. Đặc biệt, hội thảo đi sâu thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột…
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của TP. Buôn Ma Thuột tại hội thảo. |
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đều thống nhất ý kiến cho rằng, TP. Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… Do đó, Buôn Ma Thuột hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Tuy nhiên để phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” như kỳ vọng, thành phố cần quan tâm hơn đến sự quảng bá và kết nối. Trong đó nhấn mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với thương hiệu cà phê. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất, để có sự kết nối giữa du lịch với cà phê, có thể hình thành mỗi một buôn là một điểm đến cho khách du lịch. Cứ theo hướng như vậy chắc chắn TP. Buôn Ma Thuột sẽ trở thành trung tâm cà phê du lịch của thế giới.
Các chuyên gia đầu ngành tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như hiến kế để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê thế giới". |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
|
Với vai trò đồng hành với tỉnh Đắk Lắk để xây dựng quy hoạch đô thị, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam có chủ trương khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị. Để xây dựng thương hiệu cho đô thị, trước hết phải xác định đô thị đó có gì khác biệt, có gì đặc trưng so với các đô thị khác tại Việt Nam và trên thế giới, để từ đó nâng tầm chúng lên thành thương hiệu.
PGS.TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, TP. Buôn Ma Thuột cần tránh chạy theo việc mở rộng địa giới mà phá vỡ quy hoạch vốn có. Phát triển đô thị một cách mạnh mẽ nếu không được kiểm soát tốt thì sẽ gây ra tác hại ngược. Trong khi chúng ta đều biết cấu trúc của TP. Buôn Ma Thuột hết sức mạch lạc với trung tâm đô thị lọt giữa thung lũng, và toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp bao quanh thì tiếp tục mở rộng đô thị Buôn Ma Thuột cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong lần điều chỉnh này phải xem lại tính cần thiết và khả thi.
Việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành đô thị có thương hiệu với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch... có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế là rất cần thiết và cấp bách. Theo đó, ngày 9/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giao UBND TP. Buôn Ma Thuột xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa bản địa gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông qua hội thảo này, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục hiến kế, đồng hành với thành phố để có thể định hình, phát triển thành đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên gắn với giá trị văn hóa lịch sử, địa lý, di tích quốc gia; phát triển theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái, bản sắc đáp ứng chỉ tiêu mà Trung ương đã đề ra tại Kết luận 67.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc