Multimedia Đọc Báo in

Theo những mùa hoa sầu riêng

08:25, 29/05/2022

Thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi sầu riêng bước vào giai đoạn ra hoa đậu quả, người dân huyện Krông Pắc, nơi được xem là “thủ phủ” sầu riêng của Đắk Lắk lại bắt đầu tất bật vào công việc “kết duyên” cho loài cây đặc sản này với hy vọng có được vụ mùa bội thu.

Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị cao, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khá phức tạp. Khi hoa sầu riêng bắt đầu bung nở, các nhà vườn đều tiến hành chăm sóc đặc biệt cho cây. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng của cả vụ mùa. Gia đình anh Nguyễn Văn Đông (buôn Ea Yông A, xã Ea Yông) có 5 sào sầu riêng được trồng từ 10 năm trước. Khi cây sầu riêng bước vào giai đoạn nở hoa, vợ chồng anh Đông lại tất bật thực hiện quá trình thụ phấn cho cây.

Bà Nguyễn Thị Hiền (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) tiến hành thụ phấn cho sầu riêng.

Hoa sầu riêng có màu trắng ngà hoặc trắng xanh tùy thuộc vào từng loại giống khác nhau, thường mọc thành từng chùm và có mùi thơm rất dễ chịu. Điều đặc biệt là hoa sầu riêng chỉ nở rộ vào ban đêm. Trong khi đó, tỷ lệ đậu quả do cây tự thụ phấn rất thấp nên vào thời gian hoa sầu riêng nở rộ, vợ chồng anh Đông tiến hành thụ phấn bổ sung để tăng năng suất cho cây. Với kinh nghiệm gần 10 năm trồng sầu riêng, anh Đông cho hay, nếu để cây tự thụ phấn thì tỷ lệ đậu quả thấp, kèm theo đó là quả dễ bị méo mó, không cân đối, ít múi cơm. Do đó, khi hoa sầu riêng nở, khoảng từ 17 - 22 giờ, vợ chồng anh Đông lên rẫy để thụ phấn bổ sung cho cây nhằm tăng năng suất, chất lượng cho quả.

Để có được những “bí quyết” chăm sóc sầu riêng như hiện nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) đã trải qua một quá trình thí nghiệm trên chính mảnh vườn của mình. Năm 2012, gia đình bà Hiền phát triển trồng thuần sầu riêng trên 1,5 ha đất. Khi sầu riêng bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh, vợ chồng bà Hiền chia vườn thành hai phần để làm thí nghiệm, một phần không tiến hành thụ phấn bổ sung, diện tích còn lại để nguyên cho cây tự thụ phấn. Theo dõi quá trình sinh trưởng, bà Hiền thấy diện tích cây sầu riêng được thụ phấn bổ sung có tỉ lệ đậu quả cao, quả tròn, múi đầy cơm hơn so với diện tích còn lại. Nên thời điểm vườn sầu riêng “tỏa hương” cũng là lúc vợ chồng bà bắt đầu công việc đi thụ phấn hoa cho cây. Trời vừa chập choạng tối, bà Hiền lại chuẩn bị hành trang gồm một chiếc đèn pin để chiếu sáng và một chổi lông mềm để quét phấn hoa. Ban đầu do chưa quen với công việc này nên bà Hiền làm khá chậm, rụng hoa nhiều… nhưng sau thời gian học hỏi bà quen dần, quét phấn nhanh hơn, tỉ lệ đậu quả cao hơn. Bà Hiền chia sẻ, công việc thụ phấn cho cây sầu riêng không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, kiên trì khi hoa sầu riêng khá nhỏ, nhiều và chỉ có thể làm ban đêm. Không những thế, có những cây sầu riêng lâu năm, hoa mọc ở vị trí cao và khó nhìn thấy, bà Hiền phải leo lên cây và cẩn thận xem xét từng cành, sử dụng sào mới có thể thụ phấn được hết cho tất cả các chùm hoa.

Có những cây chùm hoa sầu riêng ở vị trí cao, người dân phải sử dụng sào mới với tới được.

Bàn tay người nông dân nhẹ nhàng đưa chổi lông mềm chạm vào những bông hoa sầu riêng, di chuyển những hạt phấn đã chín của hoa này rơi trên đầu nhụy của hoa kia mà không khiến hoa bị rụng. Trong thời gian này, nếu hoa sầu riêng nở đồng loạt, vợ chồng bà Hiền thực hiện thụ phấn bổ sung cho cây trong vòng 7 - 10 ngày, nhưng nếu gặp thời tiết lạnh, mưa nhiều, hoa nở lác đác thì sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Khi thấy vườn sầu riêng đạt tỉ lệ đậu quả tầm 70% thì có thể dừng công việc “kết duyên” này lại, tiếp tục quan sát và cắt bỏ những quả kém chất lượng để giữ sức cho cây nuôi quả chính vụ.

Nhờ việc “kết duyên” cho sầu riêng trong giai đoạn bung hoa đã giúp người dân có được những vụ mùa chất lượng, tăng thu nhập trong những năm qua.

Khánh Thùy


Ý kiến bạn đọc