Xuất khẩu hàng hóa: Nhiều cơ hội vượt qua thách thức
Khắc phục những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu trên địa bàn liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, cần có những chiến lược ứng phó để nâng “chất” cho hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu tiếp đà khởi sắc trong thời gian tới.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH NGỌC DƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương. |
* Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Vậy ông có thể điểm qua những kết quả nổi bật mà xuất khẩu của tỉnh đã đạt được trong thời gian vừa qua?
Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều tác động xấu. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn đó, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn Đắk Lắk vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng tích cực. Năm 2021, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt con số ấn tượng 1.136 triệu USD, bằng 175% kế hoạch năm. Tiếp đà đó, 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 560 triệu USD, bằng 46,7% kế hoạch năm.
Phải khẳng định, sự tăng trưởng liên tục, đáng khích lệ này, trước hết có được là do nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp đã khắc phục mọi khó khăn, năng động, linh hoạt sáng tạo và đổi mới trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này thể hiện qua nhiều tiêu chí như: các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử; nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng sản phẩm cà phê đặc sản; đầu tư thay đổi bao bì sản phẩm; tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong sản xuất; linh hoạt thay đổi phương thức vận chuyển, chuyển cảng xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro do tình trạng thiếu hụt container chuyên chở... Tất cả những điều đó đã phần nào phắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, giữ vững uy tín với khách hàng.
Tuy nhiên, xuất khẩu trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, sức cạnh tranh của hàng hóa chưa như mong đợi.
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. (Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái chuẩn bị sản phẩm cà phê phục vụ xuất khẩu). |
* Như ông đã nói, bên cạnh những "quả ngọt", hoạt động xuất khẩu vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu đang có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tôi tin, điều này sẽ mở ra những tín hiệu lạc quan để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1.200 triệu USD vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều hạn chế trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh ta qua nhiều năm vẫn chưa được cải thiện. Chẳng hạn, nhiều nông sản thế mạnh như cà phê, ca cao phần nhiều xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng thu về không nhiều. Đáng chú ý, quy mô chế biến nhỏ, thiết bị và công nghệ của các doanh nghiệp lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hàng hóa chưa đa dạng. Do vậy sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; một số mặt hàng vẫn còn tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường nhất định... nên giá trị thu về chưa tương xứng với tiềm năng.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết nhiều hơn, tôi cho rằng, sức ép hội nhập sẽ càng lớn hơn đối với doanh nghiệp. Điều này cũng đặt ra nhiều trăn trở cho nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, chiến lược hành động để thích ứng với hoàn cảnh mới.
* Vậy theo ông, đâu là giải pháp để tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khôn lường, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và tự do hóa thương mại toàn cầu hiện nay, hàng hóa và dịch vụ được chào bán trên thị trường rất dồi dào, phong phú thì việc đầu tiên, muốn sản phẩm bán được phải cạnh tranh bằng chất lượng. Theo tôi, muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của hàng hóa đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, giảm xuất thô, tăng chế biến; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu để tăng giá trị cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để kết nối tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, bởi nếu doanh nghiệp chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững.
Một vấn đề đặt ra nữa là càng hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp càng cần phải hiểu rõ các rào cản đối với từng loại hàng hóa và có biện pháp phòng vệ thương mại, hiểu biết về pháp lý, thông tin thị trường để điều chỉnh trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới, Sở luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ hàng hóa, các hoạt động kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường. Với vai trò, chức trách của mình, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) kết nối 30 thị trường các nước cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh; phổ biến các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới, cũng như cung cấp thông tin thị trường, cảnh báo các mặt hàng dễ bị kiện bán phá giá cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại 27 nước khối Liên minh châu Âu và các nước Nga, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan; phối hợp các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng sản xuất, mã xưởng đóng gói, tuyên truyền quảng bá cà phê chất lượng cao gắn với Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột…
* Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lan (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc