Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làm kinh tế ở xã đầu tiên về đích nông thôn mới

07:58, 13/06/2022

Là xã đầu tiên về đích nông thôn mới của tỉnh vào năm 2014, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tiếp tục là xã đầu tiên công bố đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 5/2022.

Khi người trẻ về quê lập nghiệp

Trong khuôn viên diện tích hơn 300 m2 nhà xưởng sản xuất của chuỗi kinh doanh thời trang Một Mẩu (thôn 2, xã Hòa Thuận), hàng chục lao động làm việc nhịp nhàng theo từng công đoạn từ cắt vải, vắt sổ, se bèo rồi đến may, ủi, kiểm tra và đóng gói thành phẩm. Mỗi tháng, xưởng may cung ứng hàng chục nghìn sản phẩm thời trang như váy, áo kiểu, quần tây… cho thị trường cả nước. Vận hành xưởng sản xuất cùng chuỗi kinh doanh thời trang ấy là một nữ doanh nhân rất trẻ, chỉ mới tròn 30 tuổi – Cao Thị Thanh Nhàn.

Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán, Trường Đại học Mở, Nhàn bén duyên với công việc kinh doanh thời trang và phát triển rất thuận lợi tại TP. Hồ Chí Minh. Đầu năm 2019, chị tham khảo mặt bằng ở nhiều nơi rồi quyết định trở về quê, mượn đất của cha mẹ để xây dựng xưởng sản xuất cho riêng mình. Ban đầu, quy mô của xưởng chỉ 10 máy may, sử dụng 20 lao động địa phương. Dần dần, chị phát triển lên 30 máy may, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân sản xuất các mặt hàng thời trang tại xưởng Một Mẩu.

Chị tâm sự, về quê mở xưởng sản xuất quả là một lựa chọn sáng suốt của chị vì nếu ở TP. Hồ Chí Minh hay Bình Dương, rất khó có đủ điều kiện và diện tích để sản xuất may mặc quy tụ đầy đủ các công đoạn như ở đây. Nhờ đó, chị tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ trong khâu tổ chức và quản lý sản xuất. Hơn nữa, điều kiện về giao thông, an ninh trật tự, nhân công lao động tại địa phương cũng rất ổn định nên chị có thể yên tâm phát triển công việc của mình, ứng dụng các nền tảng số để ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cũng trên địa bàn xã Hòa Thuận những năm gần đây, nhiều nông dân trẻ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Anh Phạm Viết Thái (thôn 1) hiện đang sở hữu 2 trang trại lạnh nuôi gà gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam với quy mô sản xuất lên đến 35.000 con gà thịt. Ngoài ra, anh còn đầu tư 1.000 m2 nhà màng trồng cà chua trái cây Nova liên kết với Công ty TNHH Ban Mê Green Farm và điện năng lượng mặt trời mái nhà.

Anh Thái chia sẻ, để đầu tư hệ thống các trang trại, anh chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng. Hiệu quả lớn nhất của mô hình là khai thác được hiệu quả và lợi thế đất sản xuất nông nghiệp của gia đình. Nếu như trước đây chỉ trồng tiêu và cà phê trên cùng diện tích này, tổng nguồn thu hằng năm chưa đến con số trăm triệu đồng thì hiện tại, doanh thu của gia đình anh đạt mức gần 1 tỷ đồng/năm. Mặt khác, khi làm theo mô hình liên kết, anh được doanh nghiệp đảm bảo về con giống, cây giống, kỹ thuật, đầu ra… giảm tỷ lệ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và áp lực về nguồn vốn.

Chú trọng nâng cao mức sống người dân

Với nguồn kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, song diện tích đất sản xuất của xã Hòa Thuận khá thấp so với số nhân khẩu tại địa phương, bình quân chỉ đạt 997,5 m2 đất/người. Chính vì vậy, trong lộ trình thay đổi bộ mặt nông thôn, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Thuận luôn đặt mục tiêu hàng đầu là tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Trên địa bàn xã hiện có 3 hợp tác xã đang hoạt động trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, cây giống cho bà con nông dân. Số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tại Hòa Thuận lên đến 111 chuồng trại, trong đó có 47 trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực đạt 80%.

Anh Phạm Viết Thái (thứ hai từ trái sang) nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột về những đóng góp trong xây dựng xã Hòa Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tại xã Hòa Thuận đạt gần 50 triệu đồng/năm. 100% lao động trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia lao động có việc làm. Trong đó, 77,3% lao động có việc làm qua đào tạo. Lao động nông thôn tại địa phương thường xuyên được phổ biến các kiến thức khoa học công nghệ, tập huấn, cung cấp thông tin về chính sách của Nhà nước, khuyến khích chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận Nguyễn Công Thảo cho hay, trong mọi hoạt động xây dựng nông thôn mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả, chất lượng. UBND xã cũng đang xây dựng đề án phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2025, tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ cao, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phấn đấu đưa Hòa Thuận trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.