Multimedia Đọc Báo in

Để bảo đảm trật tự trong xây dựng

07:50, 26/06/2022

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (chủ yếu là phân lô, bán nền, xây dựng trái phép), UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh nhằm từng bước lập lại trật tự xây dựng, giữ vững quy hoạch, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị và văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù vậy, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh từ đô thị đến nông thôn vẫn còn diễn ra, thậm chí còn xuất hiện nhiều “điểm nóng”. Bên cạnh những nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhà ở, nhu cầu đầu tư cao, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, giá trị thương mại lớn, còn có nguyên nhân do việc xử lý đối với vi phạm về trật tự xây dựng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Hiện nay, khung xử phạt hành chính cao nhất đối với các hoạt động xây dựng là 1 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận từ các dự án khu dân cư “chui” quá lớn nên không ít người hám lợi mà bất chấp các quy định pháp luật, vẫn tiến hành xây dựng những ngôi nhà để bán khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tái diễn còn do chính quyền một số địa phương lơ là, thiếu kiểm tra, hoặc có kiểm tra nhưng xử lý không nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn” luật.

Đơn cử như ở phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) có đến 60 công trình vi phạm trật tự xây dựng, nhưng đến năm 2022 mới được phát hiện và xử lý. Hay như 64 công trình nhà ở xây dựng trái phép ở huyện Cư Kuin đã mọc lên từ lâu nhưng mới được xử lý vào tháng 5/2022. Không thể phủ nhận rằng, sau khi một số địa phương tiên phong "dẹp loạn" xây dựng trái phép và mạnh tay xử lý vi phạm từ cấp cơ sở thì việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị chú tâm hơn.

Lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). Ảnh: H.Chuyên

Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, cần phải tăng chế tài xử phạt, cũng như tăng hình thức xử lý kỷ luật cán bộ. Theo đó, xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng; ngoài xử phạt hành chính còn yêu cầu cưỡng chế đối với các công trình vi phạm. Đồng thời, quyết liệt hơn trong việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền cơ sở nếu để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng; không chỉ dừng lại ở cảnh cáo, khiển trách mà có thể cách chức và buộc thôi việc (tùy theo mức độ vi phạm).

Mới đây, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã quyết định cách chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất vì thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai; thiếu kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng nên không kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, để xảy ra nhiều trường hợp người dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường, phân lô chia tách thành nhiều thửa đất nhỏ, lẻ dẫn đến hình thành các khu dân cư trên đất nông nghiệp. Nếu như các địa phương đều mạnh tay xử lý như UBND TP. Buôn Ma Thuột thì hẳn là các công trình trái phép sẽ không còn mọc lên nhiều như thời gian gần đây nữa.

Trong các chỉ thị của UBND tỉnh chung quanh công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đã xác định rõ trách nhiệm cũng như quy trình xử lý đối với những vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Điều quan trọng hiện nay là các sở, ngành, địa phương được giao trách nhiệm phải tổ chức thực thi nghiêm, trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa, nhất là trách nhiệm từ cấp cơ sở. Để bảo đảm trật tự trong xây dựng thì vai trò của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền cơ sở rất quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực này.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.