Multimedia Đọc Báo in

Khi công nhân cần được tiếp sức

08:15, 14/06/2022

Sáng 12/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” tại Bắc Giang.

Gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ.

Qua tổng hợp, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xung quanh các nhóm vấn đề lớn như: về tăng lương tối thiểu vùng; việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động; công tác đào tạo nghề; thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự; vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt…

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Lê Anh Hùng
Các đại biểu tham dự Chương trình tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Lê Anh Hùng

Theo thống kê, hiện nay nước ta có trên 11 triệu công nhân lao động, chiếm khoảng 13,5% dân số, 26,46% lực lượng lao động xã hội. Công nhân chiếm tỷ lệ không lớn so với dân số cả nước nhưng hằng năm đóng góp trên 50% tổng sản phẩm xã hội và bảo đảm hơn 60% ngân sách nhà nước. Đó là những giá trị vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong hai năm đại dịch COVID-19 vừa qua, lực lượng công nhân phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Dù đang lao động ở thành phần kinh tế nào, nhà nước, tập thể, hợp tác xã, tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cuộc sống của người công nhân đều bị ảnh hưởng quá sâu sắc. Gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất đối với 126 nhóm vấn đề như đã nêu trên gửi Thủ tướng Chính phủ chắc chắn chưa nói hết được những khó khăn, tâm nguyện của công nhân. Rõ ràng, công nhân Việt Nam đang đối diện với quá nhiều khó khăn cần tháo gỡ, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần cần được nâng cao.

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động đã tạo nên điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022. Để phát huy được vai trò, sứ mệnh của công nhân Việt Nam, theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW, ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân, không chỉ trông chờ vào nỗ lực tự thân của lực lượng này, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng là vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.