Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao từ trồng dâu nuôi tằm

08:16, 07/06/2022

Với hơn 1 ha đất nông nghiệp, trước đây gia đình ông Đặng Văn Dẩu (thôn Sình Mây, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) trồng cà phê và hoa màu nhưng không mấy hiệu quả. Sau đó, gia đình ông lại chuyển sang trồng hoa nhưng chi phí đầu tư lớn, tốn nhiều nhân công, đầu ra lại không ổn định nên hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Một lần đi tham quan các mô hình kinh tế tại huyện Lắk, nhận thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm của nhiều hộ dân nơi đây hiệu quả kinh tế cao, tháng 3/2021, ông Dẩu quyết định chuyển đổi 4 sào đất trồng hoa sang trồng dâu. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, khi vườn dâu phát triển tốt, ông bắt đầu nuôi tằm. Lứa tằm đầu tiên ông nuôi 1 hộp giống, thu được trên 50 kg kén, bán với giá 120.000 đồng/kg. Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nên những lứa sau mỗi hộp tằm ông nuôi cho số lượng kén ngày càng tăng.

Ông Dẩu thu hoạch kén tằm.

Thấy trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao, ông Dẩu không ngừng mở rộng diện tích trồng dâu cũng như số hộp giống tằm nuôi. Đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi hoàn toàn 1 ha trồng hoa sang trồng dâu; duy trì nuôi 2 hộp giống/đợt nuôi. Mỗi đợt nuôi kéo dài tầm 15 ngày; mỗi hộp thu được từ 60 - 70 kg kén. Với giá bán kén hiện nay ở mức 174.000 đồng/kg, gia đình ông Dẩu có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí. Có những thời điểm khan hiếm hàng, gia đình ông bán kén với giá đến 230.000 đồng/kg, thu nhập đạt gần 30 triệu đồng/tháng.

Ông Dẩu chia sẻ, tằm dễ nuôi và nhanh có thu nhập. Chỉ cần đảm bảo nhà nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, cho tằm ăn đều đặn; lá dâu cho tằm ăn phải đảm bảo sạch. Theo ông Dẩu, trồng dâu nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao hơn nhiều các cây trồng khác. Sản phẩm làm ra được các đơn vị cung cấp giống bao tiêu thu mua. Bên cạnh đó nhiều cơ sở may mặc cũng có nhu cầu cao trong việc thu mua kén nên gia đình không phải lo về đầu ra.

Ông Dẩu (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm với người dân địa phương.

Ông Trịnh Ngọc Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cuôr Knia cho biết, mô hình trồng dâu nuôi tằm có những ưu điểm: không cần quá nhiều nhân công lao động, đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao. So với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái thì vốn đầu tư ban đầu để trồng dâu nuôi tằm không lớn. Vì vậy, trồng dâu nuôi tằm là một trong những hướng đi cho các hộ nông dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và muốn tận dụng được nguồn lao động tại chỗ của địa phương.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.