Công ty Thủy điện Buôn Kuốp:
Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Công ty Phát điện 3) quản lý, vận hành 3 công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk gồm: Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3. Là đơn vị sản xuất thủy điện lớn nhất tỉnh, mỗi năm công ty sản xuất, đóng góp cho hệ thống lưới điện quốc gia trên 2,6 tỷ kWh điện.
Để bảo đảm hệ thống các nhà máy vận hành an toàn trước các tình huống bất thường do thiên tai gây ra, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã ứng dụng công nghệ số trong hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn, cảnh báo lũ và phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, các bên liên quan để có phương án tối ưu, kịp thời khắc phục các bất thường.
Tại các hồ chứa của 3 nhà máy thủy điện được công ty lắp đặt hệ thống tự động dự báo lưu lượng nước về, lưu lượng mưa và mực nước hồ chứa. Dữ liệu thực từ các trạm quan trắc được kết nối về trung tâm và làm cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình dự báo lưu lượng nước về cho các hồ chứa. Đây là những yếu tố tiên quyết giúp đơn vị lập kế hoạch, phương thức vận hành tối ưu nhà máy, chủ động trong ứng phó các loại hình thiên tai.
Trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah. |
Trước đây, nhân viên vận hành của nhà máy phải trực tiếp thực hiện đo lượng mưa tại các vị trí, nhưng từ khi hệ thống quan trắc mưa tự động đưa vào sử dụng năm 2017 đến nay, dữ liệu do các trạm đo mưa tự động liên tục được cập nhật, kết nối với ứng dụng trên thiết bị di động giúp cán bộ theo dõi có thể trích xuất mọi thông tin cần thiết nhanh, chính xác, phục vụ công tác dự báo và vận hành hợp lý, nhất là khi có mưa lớn xảy ra. Qua đó giảm thời gian thao tác, nhân công, cung cấp kịp thời số liệu thủy văn cho các cấp theo yêu cầu.
Về ứng dụng công nghệ viễn thông, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công hệ thống cảnh báo lũ từ xa qua sóng di động, giúp người dân vùng hạ du thủy điện tránh được tai nạn đáng tiếc, hạn chế thiệt hại khi có bão lũ xảy ra. Hệ thống gồm thiết bị nhận cuộc gọi di động, mạch điều khiển, amply, loa phóng thanh... Thiết bị này khi nhận cuộc gọi đến sẽ tự bắt máy và báo về trung tâm để đầu gọi biết chắc chắn về tình trạng hoạt động. Kế đến, hệ thống sẽ tự động bật nguồn điện vận hành amply và kết nối ra loa phóng thanh để phát nội dung thông báo. Ngay lập tức thông báo truyền tới các trạm cảnh báo từ xa rồi phát ra loa phóng thanh. Các thông báo này được nhắc lại để bảo đảm toàn bộ người dân đều nghe thấy. Trong trường hợp các trạm bị mất điện, thiết bị tự động khởi động máy phát điện dự phòng. Khi nội dung thông báo kết thúc, thiết bị quay về trạng thái chờ. Hệ thống trạm cảnh báo lũ từ xa được bố trí dọc theo bờ sông vùng hạ du các hồ chứa, khu dân cư, bến tắm giặt; bảo đảm các thông báo về tình hình chạy máy, điều tiết nước của nhà máy đến được với chính quyền và nhân dân trong vùng.
Thiết bị cảnh báo lũ tự động từ xa của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp. |
Bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành hồ chứa, đập thủy điện, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã góp phần bảo đảm an toàn cho toàn bộ công trình, phòng, chống thiên tai, duy trì sản lượng điện lưới quốc gia. |
Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, đến nay đơn vị đã thiết lập hệ thống 22 trạm cảnh báo lũ từ xa, 37 trạm quan trắc mực nước, quan trắc lượng mưa, tự động truyền dữ liệu về máy chủ và công khai thông tin trên website để chính quyền và người dân theo dõi, chủ động ứng phó kịp thời. Trong mùa lũ, cứ mỗi 15 phút trang web sẽ cập nhật tình hình về lưu lượng nước và các thông tin liên quan về lũ để chính quyền, người dân các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống lũ.
Cùng với ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quản lý, vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp còn tạo các nhóm Zalo có sự tham gia của thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và cả nhóm dân cư các địa phương vùng hạ du nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện phương án đối với 3 hồ chứa: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tổ chức diễn tập phương án ứng phó với thiên tai ở cấp công ty, phân xưởng vận hành và ca trực, trong đó giả định một số tình huống xảy ra để xử lý, ứng phó.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc