Multimedia Đọc Báo in

Dự án Hệ thống thoát nước Khu trung tâm hành chính huyện Cư Kuin: Bước vào giai đoạn “nước rút”

08:23, 13/07/2022

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Dự án Hệ thống thoát nước Khu trung tâm hành chính (TTHC) huyện Cư Kuin hiện đã bước vào giai đoạn “nước rút”. Chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng theo kế hoạch đề ra.

Cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề

Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện Cư Kuin được UBND tỉnh đồng ý thỏa thuận điều chỉnh hướng tuyến cống thoát nước thuộc dự án tại Công văn số 6319/UBND-CN ngày 6/8/2019. Đồng thời, đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư gần 36,7 tỷ đồng, tương ứng với chiều dài toàn tuyến là 3.985 m, có hướng điểm đầu tuyến từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện (Tỉnh lộ 10) - đường CK 14 - đường mòn giao với Quốc lộ 27 - Quốc lộ 27 - đường đi xã Ea Ning - đường mòn ra cửa xả - mương thoát nước đổ ra hồ Ea M'tá, xã Ea Bhốk là điểm cuối.

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy (thứ ba từ trái sang) khảo sát công trình thi công, sửa chữa và nâng cao an toàn hồ Ea M’tá.

Ông Phạm Văn Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cư Kuin (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, sau khi dự án được UBND tỉnh cấp Giấy phép số 105/GP-UBND cho phép đổ nước mưa vào công trình thủy lợi, phạm vi trong lòng hồ Ea M'tá, xã Ea Bhốk, UBND huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị thi công nỗ lực triển khai thực hiện, tăng cường ca máy, nhân lực, vật lực và khởi công từ tháng 11/2021.

Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành đoạn từ đầu tuyến đến đoạn đường đi xã Ea Ning với tổng chiều dài khoảng 3 km, đạt 70% so với khối lượng gói thầu; đã giải ngân 16,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 44,46%. Chủ đầu tư cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân có tuyến đi qua với kinh phí 900 triệu đồng. Nhờ sự hợp tác, đồng thuận cao của nhân dân, công tác bàn giao mặt bằng để thi công dự án đã diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, khi các đơn vị đang thi công tuyến đường mòn ra cửa xả (là đoạn cuối tuyến có chiều dài khoảng 800 m), một số hộ dân đang canh tác tại vùng hạ lưu hồ Ea M’tá (các hộ này không có đất nằm trên tuyến và không thuộc đối tượng thực hiện giải phóng mặt bằng) chưa nhìn nhận đúng bản chất vấn đề nên phản đối.

Ông Y Khương Êban (60 tuổi, Trưởng buôn Ea M'tá) cho biết, khu vực hạ lưu hồ Ea M’tá hiện có gần 50 ha lúa do người dân các buôn Ea M'tá, Ea M'tá A và thôn 5 đang canh tác. Đây là nguồn sinh kế chủ yếu của bà con, chính vì vậy, khi Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện khởi công, mọi người e ngại lượng nước mưa đổ về hồ Ea M’tá vượt quá sức chứa sẽ đổ về hạ du gây ngập úng lúa và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn và Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy cùng khảo sát một số tuyến đang thi công của dự án.

Trao đổi về vấn đề trên, một lãnh đạo UBND xã Ea Bhốk cho rằng, những lo ngại của người dân là không có cơ sở. Bởi lẽ, tình trạng ngập úng lúa ở khu vực này đã diễn ra lâu nay, nhất là vào mùa mưa. Thêm vào đó, hầu hết người dân các thôn, buôn này chủ yếu sử dụng nước giếng để sinh hoạt, mỗi khi mưa xuống có tình trạng mực nước ngầm dâng cao khiến nước tràn miệng giếng, người dân không sử dụng được. Những bất cập trên đã tồn tại và tiếp diễn nhiều năm, nguyên nhân là do vị trí địa lý khu vực người dân ở và canh tác, không phải đến khi Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện khởi công mới phát sinh. Dù cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể và ban tự quản thôn, buôn đã tổ chức các buổi đối thoại tuyên truyền, giải thích nhưng họ vẫn chưa hiểu đúng bản chất sự việc.

Dự án đã bảo đảmcác điều kiện cần thiết

Để làm rõ những vấn đề người dân lo ngại, mới đây UBND huyện Cư Kuin đã làm việc với Sở NN-PTNT về một số vấn đề liên quan đến Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện Cư Kuin.

Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm lợi ích của người dân, các đơn vị, địa phương đã nghiêm túc trao đổi một số nội dung liên quan đến công trình thi công, sửa chữa và nâng cao an toàn hồ Ea M’tá, nhất là đánh giá tác động khi nước mưa Khu TTHC huyện đổ về lòng hồ Ea M’tá có gây ảnh hưởng như người dân lo lắng hay không.

Chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Hệ thống thoát nước TTHC huyện Cư Kuin.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, công trình thi công, sửa chữa và nâng cao an toàn hồ Ea M’tá thuộc Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập giai đoạn II, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Đắk Lắk, có mức kinh phí trên 10 tỷ đồng phục vụ tưới cho khoảng 200 ha cà phê và 20 ha lúa. Mục tiêu của toàn dự án là nâng cấp để bảo đảm an toàn cho công trình hồ đập theo tiêu chuẩn của nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới. Đến nay, công trình đã triển khai được 55% khối lượng công việc theo hợp đồng và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022.

Đối với hai vấn đề mà người dân còn đang khúc mắc, ông Vũ Đức Côn đã có những lý giải cụ thể. Thứ nhất: nước mưa từ Khu TTHC huyện đổ về có gây mất an toàn cho công trình trong lúc thi công cũng như sau này khi đưa vào sử dụng hay không? Về vấn đề này, ngay sau khi UBND tỉnh có chủ trương cho phép Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện Cư Kuin đổ nước mưa về hồ Ea M’tá, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, tính toán lại tác động của dự án với công trình đơn vị đang thi công. Từ năm 2021, Sở NN-PTNT đã ban hành văn bản gửi UBND huyện và khẳng định dòng chảy phát sinh không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tháo của tràn xả lũ và an toàn công trình hồ Ea M’tá. Quá trình triển khai thi công, Sở NN-PTNT cũng luôn phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với UBND huyện Cư Kuin để kịp thời xử lý vấn đề phát sinh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn trao đổi với Trưởng buôn Ea Mtá về tác động môi trường của dự án.
 
Với những tính toán khoa học và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, có thể khẳng định lượng nước mưa đổ từ Khu TTHC huyện Cư Kuin về hồ Ea M’tá không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tháo của tràn xả lũ, cũng như sự an toàn của công trình, không gây ô nhiễm nguồn nước của khu vực này”.
 
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

Vấn đề thứ hai: có thể khẳng định nước mưa đổ về hồ không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt như người dân lo ngại. Trước đây, khi Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện chưa khởi công, nước mưa cũng đã chảy về hồ Ea M’tá. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh làm dòng chảy không theo hướng tự nhiên, hạn chế khả năng thấm nước nên tập trung lại không có lối thoát, gây ra tình trạng ngập cục bộ, từ đó buộc các cơ quan chức năng phải có giải pháp xử lý, gom dòng chảy.

Theo quy định của nhà tài trợ - Ngân hàng Thế giới, để được chấp nhận tài trợ vốn, công trình sửa chữa và nâng cao an toàn hồ Ea M’tá đã được đánh giá tác động môi trường, đây là vấn đề nhà tài trợ rất quan tâm và đề ra tiêu chuẩn cao hơn cả tiêu chuẩn của Việt Nam. Trước và trong quá trình thi công, dự án cũng đã được cơ quan chuyên môn lấy mẫu không khí và mẫu nước mặt của hồ Ea M’tá để xét nghiệm, kiểm tra đánh giá định kỳ 6 tháng/lần. Sau khi Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện Cư Kuin đi vào hoạt động, Sở NN-PTNT cũng sẽ xét nghiệm mẫu nước hồ để kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Thêm vào đó, trước khi Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện Cư Kuin được xây dựng, theo quy định Sở NN-PTNT cùng các cơ quan chuyên môn liên quan cũng đã có ý kiến bằng văn bản để UBND tỉnh xem xét quyết định cho phép đổ nước vào công trình thủy lợi, phê duyệt dự án.

Dự án Hệ thống thoát nước Khu TTHC huyện Cư Kuin được xác định là công trình trọng điểm, khi đi vào hoạt động sẽ khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ mỗi khi mưa xuống tại Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 27, bảo đảm an toàn và lợi ích của người dân, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại địa phương. Trước những vấn đề phát sinh nhất là khi dự án bước vào giai đoạn “nước rút”, Huyện ủy Cư Kuin cũng đã quan tâm, kịp thời chỉ đạo thành lập Tổ tuyên truyền do Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm tổ trưởng tổ chức nắm bắt tư tưởng nhân dân, tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận và phối hợp thực hiện.

Có thể thấy, dự án đã được các cơ quan chuyên môn tính toán và kiểm định chặt chẽ trước khi phê duyệt, tính pháp lý của dự án là đã rõ ràng, chính vì vậy, người dân cần nhìn nhận đúng bản chất sự việc, nghiêm túc hợp tác với cơ quan chức năng, giúp dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ đã diễn ra lâu nay.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.