Hạ tầng giao thông “đi trước, mở đường” (Kỳ 1)
Xác định giao thông mở tới đâu thì cơ hội khơi thông hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội sẽ phát triển tới đó, do vậy, việc ưu tiên, kêu gọi đầu tư nguồn lực cho hạ tầng giao thông là giải pháp hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk trong những năm gần đây.
Kỳ 1: Tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông
Hiện nay, giao thông đường bộ chiếm đến 95% tỷ trọng vận chuyển hàng hóa và hành khách ở Đắk Lắk. Tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông đường bộ được xem là tiền đề cho các hạ tầng khác phát triển đồng bộ, bảo đảm tính kết nối thuận lợi, hợp lý và hiệu quả.
Từ những “đại lộ” huyết mạch
Đầu tháng 7/2015, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, với chiều dài 663 km hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đây là một trong 5 công trình trọng điểm quốc gia, là tuyến đường xuyên Việt thứ hai, phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, cùng với Quốc lộ 1 giữ vai trò trục đường xương sống Bắc - Nam, tạo thế liên hoàn vững chắc để phát triển hệ thống đường ngang, các trục hành lang Đông - Tây và cùng với đường xuyên Á tạo sự thông thương với các nước láng giềng.
Đồng thời, đây cũng là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với trung tâm kinh tế lớn của đất nước (TP. Hồ Chí Minh), rút ngắn 1/3 thời gian đi lại giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực phía Nam của Tổ quốc.
Đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo. |
Sau dự án này, lần lượt các Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ và đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng nối Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mới đây, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đang được triển khai xây dựng, dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với hệ thống giao thông quốc lộ theo trục Bắc – Nam, các dự án giao thông đô thị cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Đặc biệt, tại TP. Buôn Ma Thuột, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai xây dựng.
Trong đó, Dự án đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột (nay là đường 10/3 và đường 30/4) chính thức thông xe vào đầu năm 2019, góp phần phá thế độc đạo giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ bằng Quốc lộ 14, hạn chế phương tiện lưu thông vào khu vực nội thành Buôn Ma Thuột.
Trong khi đó, Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đang được triển khai, dự kiến thông xe vào ngày 2/9/2022 sẽ kết nối trung tâm thành phố với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột trong tương lai.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Krông Búk hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 7/2015. |
Đến những nhịp cầu dân sinh
Với một địa bàn có hệ thống sông, suối khá dày như Đắk Lắk, việc triển khai xây dựng hệ thống cầu treo, cầu dân sinh đã góp phần tăng tính kết nối các miền quê trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Năm 2017, Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) làm chủ đầu tư (sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB, vốn đối ứng ngân sách Trung ương và địa phương) được triển khai xây dựng ở 50 tỉnh thành trên phạm vi cả nước.
Tại Đắk Lắk, Dự án được triển khai 97 danh mục công trình, tổng vốn đầu tư được phê duyệt trên 217 tỷ đồng. Các công trình nằm trên các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc địa bàn 62 xã của 14 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh gồm các huyện: Cư M’gar, Ea Kar, M’Drắk, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Súp, Cư Kuin, Lắk, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ.
Tính đến cuối tháng 6/2022 đã có 92/97 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, nối gần hơn những miền quê ở xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Cầu Bầu Gai - Ea Chai (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn và vùng lân cận. |
Cuối tháng 1/2020, công trình cầu Ya Trul bắc qua sông Krông Ana, thuộc xã Ea Trul, huyện Krông Bông chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ở xã vùng sâu này.
Ông Lê Văn Dữ (thôn 2, xã Ea Trul) rất phấn khởi, gia đình ông có hơn 1 ha đất trồng cây ngắn ngày ở phía bên kia sông, khi chưa có cầu, việc đi lại, vận chuyển phân bón, nông sản hết sức khó khăn. Cho đến bây giờ ông và nhiều người dân địa phương vẫn còn ám ảnh bởi vụ tai nạn giao thông đường thủy cướp đi sinh mạng của 3 người dân tại khúc sông này. Từ khi cầu Ya Trul đưa vào sử dụng, ai cũng vui mừng vì hết cảnh qua sông bằng đò, bằng dây cáp tồn tại hàng chục năm qua.
Bà Trần Thị Minh Phương, chuyên gia cao cấp ngành giao thông (WB) cho biết, Dự án LRAMP được triển khai tại 50 tỉnh thành trên phạm vi cả nước, với khoảng 2.500 cầu, cống, tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, quá trình xây dựng cầu còn có sự quyết tâm của chủ đầu tư là Tổng cục ĐBVN, ban quản lý dự án các tỉnh, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giám sát.
Sau hơn 5 năm triển khai, các dự án đã và đang có sức lan tỏa lớn đối với mọi miền quê trên phạm vi cả nước. Nơi nào cầu xây xong, nơi đó mọi người được đi lại an toàn hơn, trẻ em đến trường mùa mưa lũ không bị gián đoạn, đường đến trạm y tế cũng gần hơn… Thời gian di chuyển ngắn hơn, nhờ đó hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn, đặc biệt các dự án cầu dân sinh góp phần nối liền những miền quê ở các địa phương, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với 5 công trình đang triển khai tại tỉnh Đắk Lắk, bà Trần Thị Minh Phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp, tiếp tục triển khai hoàn thành, bàn giao trong năm 2022 nhằm phát huy hiệu quả của Dự án.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đỗ Quang Trà, trong những năm qua, Đắk Lắk đã thực hiện tốt việc phát triển mạng lưới đường bộ theo Quy hoạch GTVT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Hạ tầng giao thông từng bước hoàn chỉnh, ngoài một số dự án trọng điểm mang tính động lực đã hoàn thành, tạo được tính kết nối thuận tiện như đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 26, đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột…
Cùng với đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tỉnh cũng tập trung chú trọng đầu tư xây dựng hàng loạt các dự án giao thông quan trọng khác trên địa bàn, nhất là ở các đô thị Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ... khu công nghiệp, khu du lịch, vùng sâu, vùng xa.
Sở GTVT tỉnh cho biết, Đắk Lắk có tổng chiều dài các tuyến đường bộ hơn 16.000 km, trong đó có 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài đang khai thác hơn 684 km. Giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ (100%) tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; 75% tuyến đường xã, 100% các đường chính trong thôn, buôn, nội đồng có đường nhựa hoặc bê tông xi măng. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc