Hạ tầng giao thông “đi trước, mở đường” (Kỳ cuối)
Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một trong ba khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
"Đại lộ sinh đại phú"
Tính đến cuối năm 2020, cả tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa được 96,01% đường tỉnh; 91,57% đường huyện; 64,96% đường xã, liên xã; 100% xã có đường nhựa đến trung tâm, đảm bảo vận chuyển khoảng 14% hành khách bằng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột với công suất 1 triệu khách/năm đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Đắk Lắk trong những năm qua, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Tỉnh xác định hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, đường đi đến đâu thì người dân, địa phương nơi đó phát triển đến đấy, có "đại lộ ắt sẽ sinh đại phú". Thực tế chứng minh, trước năm 2015, khi tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh phía Nam là Quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh) chưa được nâng cấp, mở rộng, hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, thời gian di chuyển lâu, chi phí vận chuyển lớn.
Kéo theo đó, hoạt động du lịch cũng không thể phát triển vì “con đường đau khổ” này. Đến nay, sau hơn 7 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường huyết mạch này, mọi hoạt động đi lại, giao thương giữa tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung với các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm TP. Hồ Chí Minh thêm thuận lợi, dễ dàng.
Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. |
Khi giao thông được kết nối thuận lợi, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ cũng theo đó mà phát triển. Trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến tỉnh triển khai các dự án hạ tầng đô thị, đặc biệt khu vực vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố nói riêng, tỉnh nói chung.
Đơn cử như Dự án Khu đô thị Ecocity Premia nằm ở cửa ngõ phía Bắc TP. Buôn Ma Thuột, với diện tích khoảng 50 ha được khởi công xây dựng từ cuối năm 2019; Dự án Khu đô thị Ân Phú (dự án khu dân cư Hà Huy Tập, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) khởi động đầu tư từ năm 2018, đến nay đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục hạ tầng văn hóa - xã hội và thương mại hóa dự án đang được triển khai; Dự án Thành phố cà phê của Trung Nguyên Legend được khởi công xây dựng vào tháng 1/2017 tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột…
Mới đây, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, giai đoạn 2002 - 2020, kinh tế tỉnh Đắk Lắk duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 13,8%/năm, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, tăng gấp 11 lần, từ 5.600 tỷ đồng năm 2002 lên 61.800 tỷ đồng vào năm 2020. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng/người, gấp 18,4 lần năm 2002, thu ngân sách năm 2020 đạt 8.294 tỷ đồng, cao gấp 18,76 lần năm 2002…
Cần ưu tiên đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, những năm qua, dù được ưu tiên nguồn lực đầu tư, song so với nhiều vùng, miền của cả nước thì hạ tầng giao thông vẫn đang là “điểm nghẽn” lớn của vùng Tây Nguyên. Giao thông nội vùng vẫn còn nhiều tuyến hiện trạng là đường đất, đa số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ liên kết giữa các địa phương vẫn còn yếu kém.
Đơn cử như Quốc lộ 27 nối TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); giao thông liên vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng cần được tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thêm hạ tầng giao thông, trọng tâm là hệ thống giao thông đường bộ cao tốc.
Thi công cầu vượt thuộc Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột. |
Đại diện doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước nhận định, hiện nay các tuyến đường qua địa bàn tỉnh đã được đầu tư khá lâu, hầu hết quy mô vẫn còn nhỏ, đường quanh co, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.
Mạng lưới giao thông ở tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là đường bộ và hàng không, trong khi đó đường hàng không chủ yếu vận chuyển hành khách, hàng hóa chủ yếu được vận chuyển qua đường bộ. Vì thế, cần tiếp tục đầu tư hơn nữa đối với hệ thống giao thông đường bộ, nhất là các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung, các tỉnh phía Nam để thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa, hành khách.
Ông Thanh cho biết thêm, đối với Đắk Lắk, thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, có triển vọng lớn về xuất khẩu nhưng đặc điểm hàng hóa của tỉnh đều là hàng thô nên giá trị không cao, trong khi khối lượng vận chuyển lớn. Nếu tỉnh tiếp tục được quan tâm, đầu tư các tuyến cao tốc thì sẽ giảm được giá thành, chi phí vận chuyển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Chẳng hạn như tuyến từ Đắk Lắk đến TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 350 km, nếu vận chuyển theo tuyến đường hiện tại (đường Hồ Chí Minh) thì mất từ 10 - 12 giờ, còn nếu có cao tốc, với tốc độ cho phép khoảng 100 km/giờ thì sẽ mất khoảng 3,5 giờ, giảm được rất nhiều thời gian lưu hành, chi phí logistics.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Tâm cho rằng: "Nếu có kết cấu hạ tầng tốt, không những thu hút được nhiều nhà đầu tư tìm đến tỉnh nhà để xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của tỉnh mà còn thu hút khách du lịch đến tỉnh tham quan, nghỉ dưỡng. Khánh Hòa là địa phương gần với tỉnh ta - là một nơi thu hút rất nhiều khách du lịch, tôi tin rằng du khách đến tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ sẵn sàng bỏ ra 2 - 3 ngày để lên Đắk Lắk khám phá, du lịch trải nghiệm như thăm rừng, núi, vườn cà phê… nếu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, thuận tiện, kỳ vọng nhất là tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột".
Với vai trò, tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, gắn kết đồng bộ với hệ thống quốc lộ, cao tốc, nhất là giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung tạo thành mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế, hành chính, khu công nghiệp, điểm du lịch, cửa khẩu.
Cùng với đó, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ địa phương; tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức như ODA, ADB, WB để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk có 5 tuyến đường được đưa vào quy hoạch hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam, với tổng chiều dài 730 km gồm cao tốc: Pleiku – Buôn Ma Thuột; Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa; Phú Yên - Đắk Lắk; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Liên Khương - Buôn Ma Thuột. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc