Huyện Cư M’gar: Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) triển khai tại huyện Cư M’gar đang tạo động lực để hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Tạo động lực cho sản phẩm địa phương
Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, hiện nay trên địa bàn có 11 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có 10 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao, bao gồm các sản phẩm: cà phê bột, tinh bột nghệ, gà xương đen, viên nghệ mật ong của các đơn vị tiêu biểu như Công ty Cổ phần Sản xuất cà phê bột Trung Hòa (thị trấn Quảng Phú), với 3 sản phẩm: cà phê bột, cà phê hạt và cà phê Honey; Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (thị trấn Quảng Phú), với sản phẩm cà phê bột; Cơ sở tinh bột nghệ Kim Luyến (xã Ea Tar), với các sản phẩm tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong; Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Đại Phúc (xã Ea M’droh), với sản phẩm gà xương đen...
Cà phê bột mang nhãn hiệu Trung Hòa là sản phảm OCOP tiêu biểu của huyện Cư M'gar. |
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar nhìn nhận, Chương trình OCOP tại địa phương bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua chương trình này, nhiều sản phẩm của địa phương đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác được chú trọng đổi mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Quan trọng hơn, chương trình đã góp phần thay đổi tư duy của người sản xuất, kinh doanh theo hướng làm ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng.
Đến cuối năm 2022 này, huyện Cư M’gar đặt mục tiêu có thêm 12 sản phẩm tiềm năng được đánh giá, phân hạng, xếp hạng 3 sao theo Chương trình OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm có sự đa dạng hơn như: bột sắn dây, trà gừng, gạo, sầu riêng, sầu riêng cấp đông, tôm càng xanh, chim yến, mì quảng, thịt dê...
Dù vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP ở địa phương vẫn còn một số hạn chế. Nhiều chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm chưa thuận lợi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nguyên liệu tăng; nguồn vốn, nhân lực, trang thiết bị sản xuất tại các đơn vị còn manh mún và thiếu đồng bộ. Một số chủ thể OCOP lúng túng trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thiết kế website quảng bá cho sản phẩm OCOP của mình...
Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm
Nếu như trước đây, các sản phẩm nông sản địa phương hầu như chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trong huyện, với phạm vi hẹp, số lượng hạn chế thì nay, nhiều sản phẩm sau khi đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP, gắn sao cấp tỉnh đã dần vươn ra nhiều thị trường hơn.
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa cho hay, năm 2020, đơn vị có 3 sản phẩm đạt công nhận 3 sao cấp tỉnh. Từ khi tham gia Chương trình OCOP, quy mô sản xuất, thị trường bán sản phẩm cũng được mở rộng hơn đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện, sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu cà phê Trung Hòa đã có mặt ở 15 tỉnh thành trong nước. Mới đây, đơn vị đã được kết nối để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Siêu thị Go Buôn Ma Thuột. Theo ông Phương, điều này sẽ tạo thêm chỗ đứng vững chắc hơn cho sản phẩm trên thị trường, nhiều người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm của công ty hơn. Trên đà đó, công ty sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp sản phẩm lên hạng 4 sao vào cuối năm 2022 này.
Tại Cơ sở tinh bột nghệ Kim Luyến có 2 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm sản phẩm tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong. Chị Nguyễn Thị Kim Luyến, chủ cơ sở cho hay, thời gian qua, sản phẩm tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong do cơ sở làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng. Chị đã có hệ thống tiêu thụ với 7 đại lý giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của mình trên cả nước.
Cơ sở tinh bột nghệ Kim Luyến tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. |
Nhiều chủ thể OCOP đã tham gia tích cực trong việc đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để bán hàng.
Việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử là xu thế tất yếu hiện nay, tuy nhiên, nhiều chủ thể OCOP ở địa phương vẫn đang còn hạn chế ở vấn đề này. Các chủ thể OCOP mong muốn được tiếp cận sâu hơn với nền tảng thương mại điện tử để mở rộng các kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, thời gian tới, huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, tạo đà phát triển cho sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của địa phương. Trong đó, chú trọng tìm kiếm nguồn lực, kết nối các nhà tư vấn, đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triễn lãm... để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới.
Để tiêu thụ sản phẩm OCOP tốt hơn, ông Trần Văn Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất cà phê bột Trung Hòa kiến nghị, các cấp, các ngành cần mở thêm nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trên website và sàn thương mại điện tử, cách thức xử lý các đơn hàng cũng như tương tác với khách để tạo sức mạnh trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc