Multimedia Đọc Báo in

Nông dân đối mặt với nỗi lo mất mùa sầu riêng

07:46, 04/07/2022

Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với tình trạng rụng hoa, trái non hàng loạt, nông dân đau đáu nỗi lo thất thu vụ mùa sầu riêng năm nay.

Gia đình ông Nguyễn Đức Phú (tổ dân phố 6, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) có 6 sào đất trồng sầu riêng từ năm 2014. Năm nay cây trồng bước vào thời kỳ kinh doanh, tuy nhiên vụ sầu riêng này gia đình ông đang đối mặt với thua lỗ khi cây rụng trái hàng loạt.

Ông cho biết, thông thường mọi năm gia đình chỉ cần phun thuốc kích thích 1 – 2 lần là hoa đã nở đồng đều, nhưng năm nay ông đã phun đến 7 lần mà hoa chỉ nở lác đác rồi rụng. Vườn sầu riêng còn xảy ra tình trạng phát triển đọt mạnh, dù đã sử dụng nhiều biện pháp xử lý, gia đình ông đành bất lực nhìn đọt phát triển mà không giữ được hoa, trái non trên cây.

Ông Phú ngậm ngùi: “Hiện một số cây sầu riêng còn lác đác vài quả, còn lại đa số đều rụng sạch quả, như vườn mới thu hoạch xong. Chỉ riêng khoản chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất, gia đình đã thua lỗ 40 triệu đồng”.

Cán bộ Hội Nông dân phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ (bìa phải) tìm hiểu tình trạng mất mùa sầu riêng của người dân trên địa bàn.

Gần 20 năm gắn bó và có được nguồn thu lớn với cây sầu riêng, gia đình ông Ung Văn Láng (tổ dân phố 3, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ)trung bình thu được hơn 60 tấn quả/năm, mang lại lợi nhuận tầm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay, quá trình chăm sóc cây trồng gặp khó khăn, trái non rụng liên tục, không thể kiểm soát được, lượng trái trên cây chỉ còn 1/3 so với năm trước. Hiện tại tình trạng rụng trái vẫn tiếp diễn, chưa kể khi gần đến thời kỳ thu hoạch gặp mưa bão, sâu bệnh hại, giá cả bấp bênh, gia đình chưa dám chắc có được lợi nhuận trong mùa vụ này. Nhiều nông dân trên địa bàn đang trong tình trạng “ngồi trên lửa” bởi nỗi lo không thu hồi được vốn, mà còn thiệt hại về kinh tế.

Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ cho biết, thời gian qua, nhiều người dân đã chuyển đổi một số diện tích trồng bơ sang trồng sầu riêng, nâng tổng diện tích trồng sầu riêng của địa phương lên khoảng 1.200 ha, được trồng thuần và trồng xen trong các vườn cà phê, tiêu, cây ăn trái… Hằng năm, người dân thường áp dụng các phương pháp cho sầu riêng chín muộn để thuận lợi hơn về giá cả, mà chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo. Vì vậy nên đợt ra hoa đầu đa phần các vườn đều cắt bỏ, đến đợt hoa sau mới bắt đầu chăm sóc. Tuy nhiên, năm nay khi hoa xổ nhụy thì gặp mưa liên tục khiến tỷ lệ đậu trái không đạt, năng suất và chất lượng quả đều giảm mạnh, nguy cơ mất mùa đến 40%. Hơn thế, với giá vật tư nông nghiệp tăng liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Nông dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) lo lắng về tình trạng sầu riêng liên tục rụng trái non.

Đối với “thủ phủ” sầu riêng Krông Pắc có tổng diện tích gần 4.000 ha (trong đó, khoảng 2.500 ha trong giai đoạn kinh doanh) nông dân cũng không tránh khỏi nguy cơ mất mùa bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa và đậu trái của cây sầu riêng. Hoa ra không đồng đều nên trái phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau, làm năng suất sầu riêng giảm hẳn so với năm trước. Những vườn sầu riêng trồng từ năm 2004 - 2005, tỷ lệ rụng trái non nhiều hơn so với diện tích khác. Nguy cơ mất mùa cao ở các xã có diện tích lớn như: Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Đông…

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, mùa vụ năm nay, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh là khoảng 15.000 ha, trong đó khoảng 9.000 ha cho thu hoạch (tăng 2.000 ha so với năm 2021), dự kiến sản lượng đạt 170.000 tấn. Tuy nhiên, thời tiết năm nay không thuận lợi, sầu riêng gặp mưa trong giai đoạn ra hoa nên có thể sản lượng ước chỉ đạt bằng năm 2021.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.