Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đô thị: Băn khoăn dáng dấp nông dân - thị dân

06:38, 03/07/2022

Theo hoạch định phát triển đến năm 2030, toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có 31 đô thị, một mật độ “khá dày” so với quy mô một tỉnh biên giới vùng cao nguyên có 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện như hiện nay.

Vấn đề nảy sinh ở đây là đòi hỏi địa phương phải có chiến lược thế nào để cân đối, hài hòa hoạt động đời sống những thị dân mới tại các đô thị mới, từ nền tảng những nông dân bao đời quen canh tác sản xuất. Đặc biệt với một tỉnh gắn bó phát triển kinh tế với nền nông nghiệp đặc trưng, lấy hàng hóa nông sản làm nền tảng cho các chiến lược phát triển, thì câu chuyện chuyển đổi người nông dân thành thị dân là bài toán hóc búa, người nông dân là người dân tộc thiểu số thành thị dân hiện đại lại càng là vấn đề nan giải hơn.

Đổi cảnh sống, khác tư duy?

Quy hoạch chung cho thấy, trong 31 đô thị mới sẽ định hình của Đắk Lắk, có TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại 1; thị xã Buôn Hồ là đô thị loại 3; 6 đô thị thuộc loại 4 là thị xã Ea Kar, thị trấn Phước An, Buôn Trấp, Ea Drăng, Quảng Phú và Ea Pốk; còn lại 23 đô thị thuộc loại 5.

Trong đó, cả 6 đô thị loại 4 đều phải “nâng cấp” quy mô, diện mạo từ thực tiễn quy hoạch đô thị nằm giữa đầu tư thương mại dịch vụ với canh tác sản xuất, hơn 50% đô thị loại 5 là hoàn toàn thay đổi từ cơ sở huyện lỵ, thị trấn nông nghiệp lên đô thị mới.

Kiến trúc nhà truyền thống của người dân tộc thiểu số đang được thay thế bằng những lối kiến trúc đô thị mới.

Có 6 đô thị loại 5 là được tổ chức hoàn toàn mới, gồm: Dray Bhăng, Cư Né, Ea Phê, Ea Na, Trung Hòa và Phú Xuân.

Ngay 2 đô thị được xác định nâng chuẩn loại 3 và loại 4 nhưng có vị trí đô thị hạt nhân tiểu vùng phía Bắc (thị xã Buôn Hồ) và tiểu vùng phía Đông (huyện Ea Kar thành thị xã Ea Kar), vận động thay đổi cũng rất lớn. Các phân khu chức năng được quy hoạch tại địa bàn đều sẽ thay đổi, cảnh báo diện tích đất canh tác nông nghiệp giảm xuống trong khi sàn nhà ở đô thị tăng lên, sẽ kéo theo một số hệ lụy được cảnh báo về thị trường đất đai, giá trị nhà đất…

Tất cả cho thấy, cả 31 đô thị Đắk Lắk đều thay đổi cảnh sống, các tiêu chí sinh hoạt đời thường trong người dân, và nhất là dự báo mức thu nhập, sinh kế tăng lên, tiện lợi, chất lượng hơn nhưng cũng đe dọa thay đổi các giá trị văn hóa vốn có, những yêu cầu bền vững về sinh thái môi trường hay giá trị kinh tế canh tác.

Điều này, trở ngược lại, sẽ ảnh hưởng lớn đến tư duy, nhận thức cuộc sống của đông đảo người dân tại địa bàn, nhất là người dân tộc thiểu số.

Một cán bộ quản lý Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk bày tỏ, chỉ cần nhìn vào diện mạo hoạt động các cơ sở dịch vụ thương mại, du lịch được tổ chức ở các thôn, buôn cơ sở hiện nay đã thấy được nguy cơ thay đổi lớn. Từ các điểm nhà ở dùng kết cấu cũ, dùng gỗ lá làm vật liệu xây dựng, hiện tại các cơ sở lưu trú, thương mại đã chuyển qua dùng các vật liệu mới, bê tông và tôn hóa tăng lên gấp nhiều lần. Ngay những nhà sàn của đồng bào, cũng giảm đi các loại cầu thang gỗ cũ, đúng phong tục và nghi thức mẫu hệ, mà thay vào là các bậc tam cấp xây dựng hiện đại. Những ngôi nhà dài, nhà rường dân tộc đang phải chen lẫn với những khối nhà đúc, nhà xây bề thế. Cách thức sinh hoạt của người dân trong những công trình mới này sẽ khác hẳn đi.

Phú quý sinh lễ nghĩa?

Nhiều người cho rằng, đã nâng chuẩn đô thị hóa, thì phải chấp nhận sự biến đổi về tập tục sinh hoạt và văn hóa, nhưng đây lại là nỗi lo của những nhà xã hội học, nhà văn hóa. Nhất là, bởi những ảnh hưởng của kinh tế thị trường, diễn biến nhanh chóng về giá cả hàng hóa thương mại thay cho hàng hóa sản xuất, sẽ đẩy lựa chọn của những thị dân mới, từ nền tảng nông dân đi vào trạng thái tiêu cực hơn tích cực.

Nhịp sống thị dân đang lan tỏa ở những vùng đất được xác định nâng tầm đô thị hóa.

Nhìn nhận của một số chuyên gia xã hội cho thấy, không nên có sự phân biệt so sánh để cho rằng, đời sống thị dân sẽ “cao” hơn nông dân. Nhưng người nông dân được “đổi đời” qua đô thị hóa, từ thôn, buôn lên phường là cả một thay đổi lớn về tư duy, cách sống. Sinh kế tốt hơn khi làm ăn thuận lợi hơn, sẽ hướng nhiều người dân vào tâm thái “phú quý sinh lễ nghĩa”, từ chân chất nông dân ban đầu sang du nhập những cung cách sống khác biệt.

Do đó, khi người nông dân chuyển đổi sang đời sống thị dân, những vấn nạn về sang nhượng nhà cửa đất đai, thay đổi kiến trúc nhà cửa, tác phong sinh hoạt… sẽ phát sinh. Nguy cơ lớn nhất là thị trường địa ốc ở đô thị mới sẽ tăng mạnh, dễ làm người dân đi đến những thỏa hiệp phá vỡ cấu trúc, quy hoạch đất đai và giảm ngay diện tích đất nông nghiệp. Mối nguy dài lâu về người nông dân mất đất, người thị dân sống “xổi”, đi đến những lựa chọn cuộc sống không còn như trước, rất đáng được quan tâm. Liệu những trung tâm văn hóa cộng đồng trong góc nhìn truyền thống, tôn trọng tập tục, văn hóa Tây Nguyên bao đời có bị phá vỡ đi bởi những khu cụm đô thị mới, những dãy nhà bê tông thương mại, nơi giá trị vật chất được đề cao, tính tiện nghi sinh hoạt được cập nhật? Hình ảnh một TP. Buôn Ma Thuột “lên đời” sau mở cửa kinh tế hội nhập, nhà nhà đều mua xe hơi, người người như bị cuộc sống “bon chen” lôi cuốn, của một thời cuối thế kỷ 20, liệu có bị tái diễn ở các đô thị mới sẽ hình thành?

Thật sự bức tranh quy hoạch phát triển các đô thị mới ở Đắk Lắk, Tây Nguyên là rất đẹp và phải diễn ra theo xu thế cuộc sống. Nhưng làm sao để những người nông dân cần cù, trân trọng nhịp sống văn hóa, không biến đổi thành những thị dân toan tính, sống vội, là cả một vấn đề lớn, rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể và những ngành quản lý liên đới khác.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.