Sầu riêng Đắk Lắk trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Thay đổi để vươn xa (Kỳ 2)
Kỳ 2: Cơ hội song hành với thách thức
Nghị định thư được ký đánh dấu một bước tiến quan trọng cho xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để trái sầu riêng được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu, vẫn còn rất nhiều bước khác phải làm.
Khẩn trương phổ biến các nội dung của Nghị định thư
Theo Sở NN-PTNT, so với các vùng trồng sầu riêng trong nước, sầu riêng của Đắk Lắk có lợi thế hơn về năng suất, chất lượng, vùng nguyên liệu, mùa vụ... Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng muốn xuất khẩu được sang Trung Quốc thì phải đáp ứng các yêu cầu và tuân thủ theo các quy định trong nội dung Nghị định thư đưa ra.
Cụ thể: phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như các yêu cầu nêu trong Nghị định thư này và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm; tất cả các vùng trồng, cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT Việt Nam (MARD) và được cả MARD và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt, đồng thời đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Nghị định thư; trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng, cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên, đăng trên website của GACC…
Do đó, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch sau khi Nghị định thư được ký kết và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên trong cả nước phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội nghị tập huấn triển khai nội dung của Nghị định thư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, chế biến, đóng gói sầu riêng. Đồng thời hướng dẫn các thủ tục để cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói…
Sầu riêng tập kết chuẩn bị sơ chế của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Nguyễn Đức Quy, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu Dung Điệp (tỉnh Bình Dương) cho hay, việc được phía cơ quan chuyên môn phổ biến, hướng dẫn nội dung cũng như các quy định của Nghị định thư là một thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các cá nhân, đơn vị sản xuất. Bởi khi được tập huấn kịp thời các quy định mới trong Nghị định thư sẽ giúp các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), việc ký Nghị định thư là một trong những thuận lợi bước đầu, vấn đề còn lại là chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ càng, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ mà thị trường Trung Quốc đề ra. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm vững những quy định về xuất khẩu vì nội dung Nghị định thư có rất nhiều điểm mới buộc chúng ta phải nắm rõ để tránh vi phạm những lỗi kiểm dịch.
Hiện Bộ NN-PTNT đã gửi danh sách 57 cơ sở đóng gói và 123 mã vùng trồng của cả nước để nhận sự hướng dẫn nhằm thực hiện các bước tiếp theo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang chờ GACC phê duyệt danh sách mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu đăng tải trên hệ thống của Trung Quốc. Chỉ khi doanh nghiệp nào được duyệt, doanh nghiệp đó mới được xuất khẩu; vùng nguyên liệu nào đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng thì mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Phải chuyên nghiệp ở các khâu trong chuỗi sản xuất
Rõ ràng, để trái sầu riêng đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc bằng đường chính ngạch, có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn mới buộc nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng so với trước đây. Đó là thách thức không nhỏ, nhất là đối với người nông dân, song cũng là cơ hội để nông dân tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn; doanh nghiệp cũng buộc phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu.
Vườn sầu riêng của nông dân xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) chuẩn bị bước vào thu hoạch. |
Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc có 2.500 thành viên liên kết, với tổng diện tích 1.000 ha. Xác định sản phẩm sầu riêng hướng đến thị trường xuất khẩu nên trong quá trình tổ chức sản xuất, hợp tác xã đã yêu cầu nông dân tuân thủ các quy trình canh tác bền vững.
Tuy nhiên, khi Nghị định thư được ký, phía Trung Quốc đưa ra các tiêu chí để có mã số vùng trồng rất rõ ràng, như: Phải ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch, những biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm (gồm 1 loài ruồi, 3 loài rệp và 2 loài nấm); không sử dụng các hoạt chất không được sử dụng; áp dụng các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây sầu riêng…
Điều này buộc các nhà vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong quá trình sản xuất, nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong quá trình canh tác nhằm duy trì được tác dụng của mã số vùng trồng. Hy vọng, sản phẩm sầu riêng của hợp tác xã sẽ được xuất khẩu chính ngạch trong vụ này để nông dân chuyên tâm sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng đề ra.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật)
|
Còn theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Dũng Thái Sơn, để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, công ty đã xây dựng các quy trình, bộ quy tắc, tổ chức các buổi tập huấn cho bà con nông dân về quy trình chăm sóc và thu hoạch cho trái sầu riêng từ khâu chọn lọc cây giống, cách thức sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật cũng như tiêu chuẩn quốc tế và thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, công ty còn triển khai áp dụng và giám sát phần mềm nhật ký điện tử. Về tổng quan, khi được xuất khẩu chính ngạch, nông dân tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn thì kết quả cuối cùng là ngành sầu riêng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên xuất khẩu phải tuân thủ. Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc công nhận kèm theo Nghị định thư được ký kết mới là điều kiện cần.
Còn để trái sầu riêng của Đắk Lắk vào được thị trường Trung Quốc thì ngay những chuyến hàng đầu tiên cũng phải trải qua sự kiểm tra, đánh giá, công nhận thì mới được thông quan và sau đó là cả một quá trình kiểm tra, giám sát từ phía Trung Quốc, và họ có thể dừng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói bất kỳ lúc nào nếu phát hiện ra lỗi vi phạm.
Vì vậy để trái sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc lâu dài, bền vững thì mỗi địa phương, doanh nghiệp, nông dân phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong vận hành chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói đến vận chuyển nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu, quy định đề ra trong Nghị định thư.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Xây dựng lộ trình bền vững cho loại trái cây “vua”
Minh Khánh Thùy
Ý kiến bạn đọc