Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng dự án nuôi tôm càng xanh

08:25, 13/07/2022

Dự án nuôi tôm càng xanh do Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông triển khai thực hiện ở hai xã Hòa Lễ và Khuê Ngọc Điền có 3 hộ tham gia với diện tích 2.400 m2. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 70% thức ăn và được hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Là một hộ được hưởng lợi từ dự án, ông Trần Minh Tân (thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền) chia sẻ: Do đặc tính của tôm càng xanh sống trong môi trường nước trong, không ô nhiễm, nguồn nước phải dồi dào, vì vậy sau khi tập huấn chuyển giao kỹ thuật và được Trạm Khuyến nông huyện chọn làm mô hình nuôi tôm càng xanh, gia đình ông đã tiến hành nạo vét, tu sửa sạch sẽ bờ ao.

Với 10.500 con tôm giống, gia đình ông thả nuôi trong ao rộng 700 m2. Khi tôm được nuôi từ 60 - 75 ngày thì tiến hành bẻ càng để giúp tăng kích cỡ, tăng tỷ lệ sống và hạn chế tình trạng tôm ăn lẫn nhau...

Theo quy trình kỹ thuật, trong điều kiện bình thường, sau thời gian nuôi khoảng 180 ngày sẽ đạt trọng lượng bình quân 15 con/kg. Gia đình ông bắt đầu nuôi từ ngày 7/4/2022, chỉ sau 85 ngày trọng lượng trung bình một con tôm đã nặng 0,55 g, tương đương gần 20 con/kg.

Ao nuôi tôm của gia đình ông Trần Minh Tân ở thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền.

Tương tự, hai gia đình ở thôn 3, xã Hòa Lễ thực hiện mô hình này gồm ông Hoàng Ngọc Anh (diện tích nuôi 1.200 m2) và ông Ngô Văn Hùng (diện tích nuôi 500 m2) cũng đã bước đầu cho kết quả khả quan. Nhờ được các kỹ sư của Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn cách đo nồng độ pH và kiềm trong nước, kết hợp với việc các gia đình thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên sau 3 tháng trọng lượng tôm cũng đạt bình quân 20 con/kg. 

Tôm càng xanh sau khi nuôi 85 ngày.

Ông Bùi Nhựt Tuân, kỹ sư nuôi trồng thủy sản Trạm Khuyến nông huyện – người trực tiếp phụ trách mô hình cho biết: Việc nuôi tôm càng xanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có từ lâu, nhưng đối với huyện Krông Bông thì vẫn còn mới lạ. Từ khi thực hiện dự án đến nay, qua phương thức “cầm tay chỉ việc”, hầu hết các gia đình đã nắm vững quy trình kỹ thuật nên các ao tôm phát triển tốt. Mặc dù chưa biết chính xác sản lượng của từng ao, nhưng với việc tôm lớn nhanh từng ngày, phát triển theo chiều hướng thuận lợi và giá bán hiện tại dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/kg đối với loại 15 con/kg, mô hình này hứa hẹn mang đến hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.