Đánh thức đại ngàn (kỳ 4)
Kỳ 4: Những cánh đồng vàng trên cao nguyên
Trải qua quá trình canh tác đất đai thuần thục, hệ thống tưới tiêu ngày càng hoàn chỉnh đã biến những vùng hoang hóa ngày xưa trở thành những cánh đồng trù phú. Ở đó, người dân yên tâm gắn bó với cây lúa, đời sống bà con ngày càng khấm khá.
Mênh mang… Buôn Triết
Xuôi theo con đường Tỉnh lộ 7 nối hai huyện Krông Ana và Lắk rải nhựa láng bóng đoạn qua xã Buôn Triết của huyện Lắk, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự phát triển ở đây. Hai bên đường san sát là những căn nhà mái Thái, mái Nhật rộng rãi, khang trang được tô điểm thêm bởi những luống hoa đầy màu sắc. Phía xa xa, cánh đồng Buôn Triết rộng mênh mông, xanh mướt một màu của lúa đang "thì con gái", thấp thoáng những chiếc xe cơ giới của người nông dân chạy bon bon trên những con đường nội đồng đã được bê tông hóa vận chuyển vật tư nông nghiệp để chăm sóc cho cây lúa.
Trong căn nhà mới xây, rộng rãi đầy đủ tiện nghi của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk), Giám đốc Nguyễn Ngọc Côn cho biết, bà con ở đây khá lên chủ yếu là nhờ cây lúa. Những năm gần đây, giá lúa cao, năng suất ổn định, thu nhập cao nên bà con có điều kiện sắm sửa xe cộ, vật dụng, xây nhà to. Chỉ trong HTX thôi đã có 108 thành viên, với 80 ha diện tích trồng lúa. Những năm gần đây, đơn vị đã liên kết với các đối tác để sản xuất lúa giống, mỗi năm, các xã viên thu lãi tầm 80 triệu đồng/ha lúa. “Cánh đồng Buôn Triết chẳng khác gì Đồng Tháp Mười dưới xuôi. Ở đây, lúa là cây dễ làm, cho thu nhập cao và ổn định nhất, nhiều người đã đổi đời từ cây lúa”, ông Côn khẳng định.
Mùa vàng trên vựa lúa Ea Súp. |
Cánh đồng Buôn Triết đã trở thành “vựa lúa” nuôi nấng, cưu mang hàng vạn con người từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp. Năm 1999, nghe Đắk Lắk đất đai rộng rãi, phì nhiêu, anh Lê Đức Biên rời quê hương Thái Bình vào thôn Mê Linh 1, xã Buôn Triết mưu sinh. Những ngày đầu, anh đi làm ruộng thuê cho người ta, tích góp dành dụm để mua đất ruộng trồng lúa. Anh cho biết, ở đây đồng ruộng bằng phẳng, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi đã được bê tông hóa; từ làm đất đến thu hoạch đều làm bằng máy móc; thu hoạch đến đâu thì có thương lái đến mua lúa tươi tận nơi, không phải lo phơi sấy như trước đây. Nhờ đó, người làm lúa cũng đỡ vất vả hơn và thu nhập được nâng lên. Mỗi héc ta lúa 2 vụ ở đây, với năng suất bình quân từ 7 - 8 tấn/ha/vụ, trừ hết chi phí, cũng thu lãi tầm 60 - 70 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm lam lũ trên vùng đất này, anh đã mua được 10 ha ruộng lúa. Thu nhập từ trồng lúa, mỗi năm anh cũng lãi được 600 - 700 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập mà nhiều người mong ước. “May ngày xưa đánh liều rời quê vào đây lập nghiệp mới có được ngày hôm nay, chứ ở quê đất chật người đông, vất vả lắm”, anh Biên tâm sự.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 111.682 ha lúa (diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên), sản lượng 757.030 tấn. Diện tích lúa hiện nay tập trung chủ yếu ở các huyện như Lắk, Krông Ana, Ea Súp... |
Không riêng gì xã Buôn Triết, lúa nước đang là cây trồng chủ lực và mang lại đóng góp rất lớn cho kinh tế của huyện Lắk. Theo thống kê, địa phương này hiện có hơn 14.000 ha lúa nước, tập trung tại các xã Buôn Triết, Buôn Tría và Đắk Liêng, sản lượng lúa năm 2021 đạt hơn 96.019 tấn.
Cánh đồng vạn tấn nơi biên viễn
Rời huyện Lắk, chúng tôi ngược về huyện Ea Súp, nơi mà những năm gần đây cây lúa cũng đã trở thành một cây trồng chủ lực, mang lại lợi nhuận rất lớn cho bà con nông dân. Tiếp chúng tôi, ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp không giấu được niềm vui khi nói về cây lúa nơi đây: "Ở vùng đất cằn cỗi này, nếu không có cây lúa nước thì người dân khó lòng mà khá lên được”. Điều ông nói cũng đúng thôi, khi mà mỗi héc ta lúa ở đây cho năng suất khoảng 15 tấn/năm, trừ hết chi phí cũng cho nông dân lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng. Với 16.016 ha đất trồng lúa, năng suất hằng năm khoảng 123.479 tấn. Nhờ trồng lúa, nhiều hộ dân đã có trở thành những triệu phú, tỷ phú.
Người dân xã Buôn Triết, huyện Lắk thu hoạch lúa. |
Anh Hồ Văn Quang (SN 1977, ở thôn 1, xã Ea Bung) là một trong những hộ có diện tích trồng lúa lớn ở địa phương, với khoảng 10 ha. Với diện tích đất này, mỗi năm làm lúa 2 vụ cũng đã cho anh thu nhập khoảng 500 - 700 triệu đồng. Có thu nhập, anh đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất. Đến nay, tất cả các khâu sản xuất lúa ở đây hầu hết đã được cơ giới hóa. Việc làm lúa theo anh Quang là “nhàn” và ổn định hơn nhiều loại cây trồng khác. Nhờ cây lúa mà anh cất được nhà cửa, mua xe cộ, con cái học hành cũng từ cây lúa mà ra.
Chính nhờ việc làm lúa có lợi nhuận cao nên ở huyện Ea Súp đã hình thành nên một nghề mới đó là đi thuê ruộng để trồng lúa. Anh Giang Văn Thiết (ở thôn 7, xã Ea Bung) có 1,5 ha ruộng, nhưng nhận thấy việc trồng lúa mang lại lợi nhuận cao nên đã thuê thêm 3,5 ha đất để làm. Với chi phí thuê mỗi héc ta khoảng 15 triệu/năm, trừ hết chi phí thì mỗi héc ta lúa cũng còn cho lãi 35 - 50 triệu đồng. Tương tự, chị Hoàng Thị Hằng (thôn 8, xã Ea Bung) cũng thuê 13 ha đất để trồng lúa. Gần đây, chị chuyển sang trồng loại lúa đen đặc sản của Ea Súp. Với giá bán cao hơn những loại gạo thông thường, lúa đen đã mang lại cho chị nguồn thu nhập cao. “Mình mua đất thì tốn số tiền lớn quá, đi thuê lại đất của những người không có điều kiện canh tác thì cả hai bên đều có lợi”, chị Hằng cho hay.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Đất trả ơn người
Vạn Tiếp - Minh Thông
Ý kiến bạn đọc