Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức đại ngàn (kỳ 5)

08:31, 21/08/2022

Kỳ cuối: Đất trả ơn người

Từ một vùng đất hoang hóa, với bao công sức trong quá trình khai phá, phát triển, tỉnh Đắk Lắk giờ đã trở thành một vựa lương thực, vùng trồng cây công nghiệp lớn của cả nước.

Từ thủ phủ cà phê…

Sau năm 1975, toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha cà phê tiếp quản từ các chủ đồn điền người Pháp, Ý, Hoa Kiều, Việt và nhận hiến từ người dân. Trên cơ sở này, tỉnh thành lập các nông trường quốc doanh do Nhà nước quản lý để sản xuất cà phê. Từ đây, các đơn vị này bắt đầu mở rộng diện tích trồng cây cà phê. Trong ba năm (1977 - 1979), toàn tỉnh đã trồng mới trên 6.000 ha cà phê, nâng tổng diện tích cà phê toàn tỉnh lên 13.000 ha, trong đó 12 nông trường quốc doanh của Trung ương và tỉnh quản lý trên 10.000 ha. Khi diện tích cà phê ở các nông lâm trường phát huy hiệu quả kinh tế đã thu hút lao động từ nhiều nơi về gia nhập vào đây làm công nhân trồng và chế biến cà phê. Ngoài làm việc trong các nông trường, họ còn chủ động khai hoang những diện tích đất hoang hóa để trồng cà phê của gia đình mình.

Vườn cà phê xen cây ăn trái đem lại thu nhập cao cho gia đình bà Lê Thị Tám (xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar).

Bà Lê Thị Tám (thôn 5, xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M’gar) nhớ lại, năm 1988 vợ chồng bà sau khi kết thúc công việc tại một đơn vị quân đội ở tỉnh Khánh Hòa đã lên làm công nhân tại Nông trường Cà phê Drao (xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M’gar). Cùng với việc làm công nhân, gia đình bà còn bỏ công sức khai hoang những vùng đất hoang hóa để trồng cây cà phê. Theo bà Tám, ngày đó, đất đai ở đây rộng mênh mông, đất hoang còn rất nhiều, nhưng do chưa có máy móc nên phải phát dọn bằng tay hết sức vất vả. Vợ chồng ông bà phải dùng cuốc, xẻng đào từng gốc cây to, phát dọn, đào hố rồi xuống giống cà phê. Những ngày mới trồng, để cà phê sống được trên vùng đất này vào mùa khô, bà phải xách từng xô nước dưới suối để tưới cho cây cà phê. Dù vậy, đất không phụ công người, cây cà phê cũng “trả nợ” người trồng sau đó không lâu. Đỉnh cao là năm 1994, giá cà phê lên đến 45.000 đồng/kg, giúp kinh tế người trồng cà phê ổn định và phát triển. Nhờ giá cà phê lên cao, cuộc sống người dân đã được cải thiện, các trang thiết bị, máy móc cũng được mua sắm đưa vào để sản xuất cà phê.

 

Từ năm 2010 đến năm 2021, toàn tỉnh có 73 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng. Hiện nay, có 33 dự án đang làm hồ sơ thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng, 109 dự án, khu vực đề xuất kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản với tổng vốn dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng.

Sau giai đoạn giá cà phê lên cao, hàng vạn người dân từ nhiều vùng trên cả nước tiếp tục đến Đắk Lắk lập nghiệp. Theo đó, diện tích cây cà phê đã được mở rộng một cách nhanh chóng, biến Đắk Lắk trở thành thủ phủ của cây cà phê. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 209.960 ha cà phê, sản lượng 522.685 tấn - đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng.

…đến vựa nông sản của vùng Tây Nguyên

Không chỉ riêng cây cà phê, Đắk Lắk bây giờ đã khẳng định là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất khu vực Tây Nguyên với nhiều loại cây trồng chủ lực, như: cao su có diện tích khoảng 34.000 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 38.000 tấn; hồ tiêu khoảng 32.000 ha, sản lượng trên 81.000 tấn; điều trên 27.000 ha, sản lượng khoảng 31.000 tấn; cây ăn quả trên 43.000 ha, sản lượng đạt hơn 220.000 tấn/năm. Đặc biệt, với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, Đắk Lắk có các loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao, nhất là sầu riêng hơn 14.900 ha, sản lượng khoảng 137.000 tấn; bơ trên 9.000 ha, sản lượng 114.000 tấn (đứng đầu khu vực Tây Nguyên). Bên cạnh đó, tỉnh có diện tích lúa 110.000 ha/năm (đứng đầu khu vực Tây Nguyên), sản lượng khoảng 757.000 tấn/năm; ngô khoảng 94.000 ha (đứng thứ hai cả nước), sản lượng trên 580.000 tấn...

Để tập trung phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng và đầu tư nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành kinh tế chủ lực. Những quyết sách mang tính bản lề là Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14/10/2016 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND, ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 8/7/2020 của HĐND tỉnh quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm trang trại sản xuất cà chua trái cây Nova của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định, Đắk Lắk có một tiềm năng lớn về đất đai và khí hậu để phát triển nông nghiệp, đặc biệt, thế mạnh của tỉnh là có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước (khoảng 650.000 ha), trong đó có trên 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây công nghiệp lâu năm. Trong những nhiệm kỳ qua, tỉnh cũng xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề luôn được quan tâm đặc biệt. Và thực tế, nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết chuyên đề cũng xác định, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên phát triển, từ đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…

Để khai thác hiệu quả những dư địa của ngành nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Cùng với đó, những lĩnh vực chủ chốt được xác định là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng; triển khai các mô hình canh tác nông lâm kết hợp phù hợp với địa phương; đồng thời, kết hợp du lịch với sinh thái nông lâm nghiệp mang bản sắc các dân tộc tại địa phương.

Xin lấy lời của đồng chí Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk để kết thúc tuyến bài về hành trình đánh thức đại ngàn này: “Tỉnh nhà đổi thay từng ngày, bây giờ không thiếu loại nông sản, cây trái nào. Nhìn bà con giàu lên trên mảnh đất này, thế hệ đi khai hoang mở đất như chúng tôi là những người vui mừng nhất”.

Vạn Tiếp - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.