Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực thoát nghèo của đồng bào Mông ở Krông Bông

08:07, 10/08/2022

Huyện Krông Bông có 2.670 hộ với gần 15.000 khẩu là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều hộ người Mông với sự cần cù, chịu khó, năng động đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Với số lượng hàng nghìn hộ đến định cư ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông nên việc thiếu đất sản xuất là khó tránh khỏi. Mặc dù đã tận dụng tối đa diện tích đất hiện có để sản xuất, song để thoát nghèo, người dân ở đây phải làm thêm nhiều công việc khác nhau.

Theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, xã Cư Pui có gần 400 lao động là người Mông đăng ký tạm vắng đi làm tại các công ty, xí nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Như vợ chồng anh Thào Mý Chá ở thôn Ea Uôl (xã Cư Pui) phải gửi con cho bố mẹ chăm sóc để đi làm công nhân từ hơn 5 năm nay. Anh Chá cho biết: “Nếu tăng ca nhiều thì mỗi tháng mỗi người cũng được từ 10 - 12 triệu đồng tiền lương. Hai vợ chồng cố gắng làm, dành dụm tiền gửi về nuôi con ăn học và mua thêm ruộng rẫy”.

Anh Dạ (thứ hai từ trái sang) ở thôn Cư Dhắt (xã Cư Drăm) làm thuê nhận lột vỏ cây keo.

Ngoài ra, ở các địa phương này còn có hàng nghìn lao động người Mông làm những công việc thời vụ. Chẳng hạn như vợ chồng anh Dương Văn Tuấn ở thôn Ea Lang (xã Cư Pui) mỗi khi xong công việc ruộng nương thì lại tranh thủ đi lấy cây đót về bán. Mùa lấy đót rừng kéo dài trong vòng 2 tháng. Mỗi ngày, vợ chồng anh Tuấn lấy được từ 80 - 100 kg đót tươi, bán với giá từ 6.000 - 6.500 đồng/kg; mỗi vụ đót vợ chồng anh cũng kiếm được từ 20 - 30 triệu đồng. Còn anh Ma Văn Dạ và nhiều người dân ở thôn Cư Dhắt (xã Cư Drăm) mấy năm gần đây thường hợp đồng bóc vỏ cây keo lai thuê. Mỗi xe công nông lớn sau khi lột vỏ được trả công 700.000 đồng, xe nhỏ 350.000 đồng.

Nhiều lao động người Mông ở các thôn Ea Uôl, Ea Bar (xã Cư Pui) đến mùa hái cà phê, hồ tiêu lại rủ nhau đi hái thuê. Anh Giàng Xuân Chính, đội trưởng đội 5, thôn Ea Bar cho biết: “Bà con người Mông có bản tính cần cù, chịu khó, làm gì cũng thích khoán sản phẩm chứ không thích làm công. Làm khoán mọi người tích cực, tranh thủ tối đa thời gian nên công rất cao. Mỗi người có thể đạt từ 400.000 - 700.000 đồng tiền công mỗi ngày khi hái thuê cà phê, hái tiêu, nhổ sắn, bẻ dứa…”.

Nhiều gia đình ở thôn Ea Lang (xã Cư Pui) có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ đót.

Xã Hòa Phong có 2 thôn đồng bào Mông là Ea Khiêm và Noh Prông. Hơn 530 hộ dân ở hai thôn này chỉ có hơn 50 ha đất trồng lúa, còn lại là đất đồi dốc. Do chưa có hệ thống thủy lợi, việc canh tác chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên nên một số diện tích lúa nước ở đây chỉ làm được một vụ. Theo ông Đào Xuân Mỳ, Trưởng thôn Ea Khiêm, trong thôn có đến trên 70% hộ có người thường xuyên đi làm ăn xa. Nhờ cần cù, chịu khó, chăm chỉ lao động nên từ gần 80% hộ trong thôn thuộc diện nghèo, đến nay đã giảm xuống còn 53%. Nhiều gia đình đã làm được nhà ở chắc chắn, mua sắm được xe máy, tivi và các vật dụng trong gia đình.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.