Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

08:13, 30/08/2022

Nhiều dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai và kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện Ea Súp đã mở ra triển vọng lớn trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân huyện vùng biên.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, những năm trước đây, tình hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn huyện Ea Súp vẫn còn nhiều bất cập. Ngành chăn nuôi phát triển theo hình thức nhỏ lẻ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà tiêu dùng) chưa thành hệ thống; thiếu nhân lực làm công tác dự báo về thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào ngành này; việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo quy mô trang trại chưa thực sự đồng bộ...

Xác định ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ea Súp đã có Nghị quyết số 04 NQ/HU, ngày 21/1/2021 về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025.

Nội dung quan trọng của nghị quyết này là tập trung định hướng phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện phát triển chăn nuôi hàng hóa theo phương thức thâm canh; kết hợp chăn nuôi truyền thống với chăn nuôi công nghiệp, tạo tính bền vững và hiệu quả.

Từ đó, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao hoặc liên kết các hộ thành nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Một dự án chăn nuôi công nghệ cao đang đầu tư xây dựng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.

Dấu ấn quan trọng trong thu hút đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn huyện vùng biên này là Dự án “Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp kết hợp trồng cây công nghiệp, nông nghiệp” của Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Ea Súp tại xã Ya Tờ Mốt, tổng kinh phí 192 tỷ đồng. Chủ đầu tư đang triển khai xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo phương pháp trại lạnh, hiện đại và khép kín với quy mô 3.600 con lợn nái, 80 con lợn đực và 24.000 con lợn thịt/lứa. Đồng thời, xây dựng vùng đệm cây xanh cho các hoạt động vùng dự án nhằm giảm thiểu tác động từ trang trại chăn nuôi lợn đến môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư xây dựng hệ thống tái sử dụng nước thải, phân lợn giúp tối ưu các điều kiện trong chăn nuôi, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất đi kèm với các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Ea Súp, với quỹ đất rộng rãi, hệ thống giao thông thuận tiện có thể kết nối dễ dàng với các thị trường lớn miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh nên huyện Ea Súp là một địa điểm thích hợp để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung theo các mô hình trang trại đã được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, với đặc thù dân cư sống thưa thớt nên rất an toàn, phù hợp với các quy định về vệ sinh phòng dịch, bảo đảm môi trường, dễ dàng đầu tư và đưa vào hoạt động. Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động, dự án sử dụng hơn 100 lao động liên tục tại địa phương.

Sau gần hai năm triển khai thực hiện, đến nay huyện Ea Súp đã thu hút 19 dự án chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các dự án tập trung tại những xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện, như: Ia Lốp, Ia R’vê, Ea Bung, Cư K’bang, Ea Rốk... với quy mô hàng chục nghìn vật nuôi, là một trong những bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Ea Súp cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế tỷ trọng chăn nuôi chỉ chiếm hơn 9% trong cơ cấu kinh tế, huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu tỷ trọng chăn nuôi phải đạt từ 25 - 30%. Việc bố trí dân cư cũng rải rác nên thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết và thuận lợi. Một số dự án chăn nuôi quy mô lớn đã triển khai đầu tư sẽ là "cú hích" mới cho sự phát triển kinh tế của địa phương, bởi khi đi vào hoạt động, những dự án này sẽ giải quyết một phần lao động địa phương, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất. Trên cơ sở đó, huyện đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn có khoảng 30 trang trại quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.

Minh Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.