Multimedia Đọc Báo in

Vốn tín dụng chính sách: Trợ lực hiệu quả cho hộ nghèo huyện M'Drắk

08:17, 25/08/2022

Trong những năm qua, việc triển khai các chương trình, dự án về giảm nghèo, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã góp phần quan trọng giúp người dân huyện M’Drắk giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện M’Drắk đang triển khai 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 487 tỷ đồng; là đơn vị đứng thứ ba toàn tỉnh về tổng dư nợ. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua đạt gần 1.287 tỷ đồng với trên 57.000 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số cho vay bình quân mỗi năm đạt 64 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ trong 20 năm đạt trên 809,6 tỷ đồng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay đạt hơn 106 tỷ đồng/2.434 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó đã giải ngân được hơn 3,54 tỷ đồng cho 75 hộ gia đình vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, nợ xấu chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ và luôn là huyện có chất lượng tín dụng tốt đứng đầu toàn tỉnh.

Ông Y Nhon Niê (bìa phải), Tổ trưởng tổ tín dụng tiết kiệm buôn M'Suốt (xã Krông Jing) hỗ trợ người dân thiết lập hồ sơ vay vốn tín dụng.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện M’Drắk. Cụ thể bằng các nguồn vốn tín dụng chính sách, trong gần 20 năm qua, toàn huyện có 11.664 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 1.876 lao động; hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học; xây dựng được 18.516 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng mới 1.597 căn nhà cho hộ nghèo; 9.272 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn. Nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả được hình thành, góp phần đắc lực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Gia đình bà H'Lăc Niê (Aduôn Jen) ở buôn M'Suốt (xã Krông Jing) là một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng. Trước đây, vì đông con, thiếu vốn sản xuất, gia đình bà H'Lăc Niê rất khó khăn, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Năm 2007, bà được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 10 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản về nuôi; được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi để phát huy hiệu quả vốn vay. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đôi bò phát triển tốt, hằng năm sinh sản đều đặn, sau 3 năm gia đình bà H’Lăc đã thoát nghèo và hoàn trả toàn bộ tiền gốc, lãi cho ngân hàng. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình bà bán từ 1 - 2 con bò thịt, với giá hơn 15 triệu đồng/con. Hiện nay, với thu nhập từ 1,5 ha keo, 1,5 ha sắn, 1 ha lúa nước, chăn nuôi bò sinh sản..., gia đình bà H’Lăc ở trong nhóm kinh tế khá của buôn, xây được nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Ngoài nguồn vốn vay hộ nghèo, gia đình bà còn được tiếp cận với vốn vay học sinh, sinh viên; hiện nay hai người con của bà đã ra trường và là giáo viên dạy mầm non tại địa phương.

Ngân hàng CSXH huyện M'Drắk giải ngân nguồn vốn phát triển kinh tế- phục hồi sản xuất.

Tương tự, gia đình anh Y Hoan Niê, ở buôn Năng (xã Cư Prao) cũng là điển hình tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Cách đây 10 năm, được vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện M'Drắk, gia đình anh Y Hoan trồng hơn 3 ha keo lai. Khi mới trồng rừng, anh trồng xen sắn, ngô vừa để chăn nuôi, vừa để bán mua gạo “lấy ngắn nuôi dài”. Sau 5 năm khai thác keo, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng, sau đó tiếp tục vay thêm vốn để tăng quy mô trồng rừng. Đến nay, gia đình anh Y Hoan đã có 10 ha rừng keo lai luân phiên khai thác, hơn 3 ha hoa màu kết hợp chăn nuôi bò, không những thoát nghèo mà còn có thu nhập khá và ổn định.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.