Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Cần thích ứng với những quy định mới

07:50, 05/08/2022

Với chính sách “Zero COVID”, Lệnh 248, Lệnh 249, phía Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Để bảo đảm nông sản được thông quan, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng cần nắm rõ những quy định mới.

Những yêu cầu ngày càng khắt khe

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính của rau củ quả Việt Nam, song yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm ngày càng cao, đặc biệt là phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19.

Điều đó được chứng minh bằng việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nước Cộng hòa hân dân Trung Hoa (vào tháng 4/2021 và có hiệu lực từ tháng 1/2022) với các quy định mới khắt khe hơn, nhất là trong vấn đề kiểm tra mức dư lượng những hóa chất ô nhiễm vi sinh vật đối với sản phẩm, thực phẩm trái cây xuất khẩu sang thị trường này. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ rõ, thị trường này đã thay đổi khi hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT đã tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để các loại rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Tính đến tháng 7/2022, nước ta có 11 loại trái cây được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc và đã đến lúc nông sản Việt Nam cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, Lệnh 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu.

Vườn sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng của Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, đối với Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, sản phẩm sầu riêng và chanh leo có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để xuất khẩu các sản phẩm nông sản vào thị trường Trung Quốc, chúng ta phải đáp ứng tất cả những yêu cầu mà đối tác nhập khẩu đã đưa ra: cung cấp đầy đủ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy cách nhãn mác gồm cả tiếng Việt và tiếng Trung. Ngoài việc giám sát chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì việc giám sát chặt chẽ số lượng liên quan tới mã số vùng trồng cũng quan trọng không kém nhằm bảo đảm phù hợp với sản lượng, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu. Cụ thể ở đây là sản lượng ghi trên bao bì không được vượt quá sản lượng của vùng sản xuất…

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tính đến đầu năm 2022, đã có khoảng 270 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật được đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Riêng từ ngày 1/1/2022 đến nay, do yêu cầu khai báo cụ thể cho từng mặt hàng, từng mã số doanh nghiệp của phía Trung Quốc, chúng ta đã đăng ký thành công mã số cho 30 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định của phía Trung Quốc, do đó, các doanh nghiệp, địa phương cần tiếp cận sâu hơn với các quy định của Lệnh 248, Lệnh 249.

Doanh nghiệp, người dân buộc phải thích ứng

Theo ông Lê Thanh Hòa, Trung Quốc đang có sự thay đổi rất lớn trong hệ thống giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu. Họ chuyển sang hình thức kiểm soát sản phẩm cuối cùng và giám sát toàn bộ hệ thống. Do vậy, những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần hoàn thiện hệ thống từ hồ sơ đến quy trình sản xuất, giám sát các nguy cơ. Nếu như không đáp ứng được yêu cầu đó, doanh nghiệp có nguy cơ mất mã số hay không được phép xuất khẩu.

Chính vì vậy, để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của phía Trung Quốc, doanh nghiệp, người sản xuất trên địa bàn Đắk Lắk đã có những thay đổi để phù hợp với tình hình. Hiện nay, người dân đã bắt đầu ý thức hoàn thiện vùng trồng từ thói quen canh tác nhỏ nhất (hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật…), có sổ nhật ký vùng trồng để làm cơ sở truy xuất cho các lô hàng xuất khẩu.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Krông Pắc cho biết, HTX đã được cấp mã vùng trồng cho 630 ha sầu riêng. Trong quá trình xây dựng và thiết lập mã vùng trồng, HTX được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn cụ thể về ghi chép quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Quy trình cấp mã không khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nhiều quy định. Vì vậy, người dân cần sự hỗ trợ hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng.

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Để nông sản “đường đường chính chính” vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chuẩn bị từ cơ sở vật chất, vùng trồng làm sao đạt tiêu chuẩn của nước sở tại đặt ra. Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, hiện nay công ty bà đang hoàn tất hồ sơ đăng ký mã xưởng để chuẩn bị xuất khẩu nông sản trong vài tháng tới. Công ty đang tập trung vào 3 sản phẩm chính là ớt, chanh leo, sầu riêng. Để cung cấp được số lượng nông sản lớn ra thị trường, công ty thực hiện liên kết với nông dân, HTX… thiết lập các vùng trồng và bao tiêu sản phẩm sầu riêng hữu cơ. Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng cơ sơ, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.

Tính đến năm 2022, Đắk Lắk có 42.957 ha cây ăn quả, với chủng loại tương đối đa dạng và phong phú, gồm các loại: sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi, mít, nhãn, vải, chuối, chanh leo… nhưng chủ lực vẫn là sầu riêng, bơ. Riêng cây chanh leo mặc dù có tăng về diện tích, nhưng vùng sản xuất chanh leo vẫn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung. Nhận thấy tiềm năng và cơ hội to lớn trong việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chủ động làm việc, kiến nghị với Cục Bảo vệ thực vật quan tâm hướng dẫn để triển khai các công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Toàn tỉnh đã xây dựng và thiết lập được 24 cơ sở đóng gói. Cấp 21 mã số vùng trồng trên các loại cây trồng, với tổng diện tích hơn 710 ha. Thiết lập 38 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích hơn 1.500 ha đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi sang phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hiện Sở NN-PTNT tiếp tục rà soát diện tích vùng trồng sầu riêng tập trung để thiết lập, mở rộng diện tích vùng trồng được cấp mã. Ngoài ra, chính quyền còn hỗ trợ cấp mã nhà xưởng sản xuất nhằm xúc tiến quá trình xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội mở cho ngành nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường thế giới.

Minh Thuận - Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.